Rà soát, đảm bảo các quy định trong luật mang tính ổn định, đúng thẩm quyền

09/11/2024

Sáng 9/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia và phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy

Tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo. Đây là hai dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng nhiều lần.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên thảo luận tại Tổ 10

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, với tinh thần luật chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ đã có tiếp thu cơ bản ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, các dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 lần này đã rút bớt số lượng các điều, khoản so với bản dự thảo trình tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc nghị định và thông tư. Trong đó, đối với Luật Việc làm (sửa đổi) cần tiếp tục làm sâu, rõ hơn ở mức Quốc hội quyết định các nội dung như: Chính sách chuyển đổi việc làm đối với lao động nông thôn; chính sách việc làm công, chính sách việc làm của thanh niên bao gồm cả thành phố và nông thôn; chính sách hỗ trợ hỗ trợ việc làm người cao tuổi, mở rộng hành lang pháp lý đối với các tổ chức dịch vụ việc làm; tư vấn viên dịch vụ việc làm,...

Đối với dự án Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự án luật mới, được dư luận xã hội rất mong muốn ban hành. Tán thành sự cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhà giáo có những đặc thù riêng, khác về quyền lợi, nghĩa vụ với viên chức nói chung. Do đó, việc xây dựng và ban hành luật sẽ kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhấn mạnh những đặc điểm mang tính đặc thù của nhà giáo cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ưu đãi, chính sách riêng vẫn phải đặt trong tổng thể chung, đảm bảo cân đối, hài hòa. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định về đối tượng áp dụng, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo;... đảm bảo phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật.

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự đồng tình cao với việc kịp thời sửa đổi Luật Việc làm và ban hành Luật Nhà giáo.

Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu thực tế tại địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang đối diện với khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc riêng. Vì trên thực tế, đối tượng truyền nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia trao truyền, giảng dạy các kỹ năng mà họ có từ sự kế thừa thế hệ trước và kinh nghiệm cá nhân. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Luật để Luật hóa, từ đó ban hành các chế độ, chính sách phù hợp.

Ngoài ra, theo đại biểu tại dự thảo Luật Việc làm lần này có quy định khá nhiều đối tượng ưu tiên như người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo,… tuy nhiên chưa có chính sách ưu tiên cho nữ giới. Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Liên quan tới đóng bảo hiểm thất nghiệp, đoạn 2 khoản 5 Điều 58 dự thảo Luật là điểm mới so với Luật hiện hành: “2. Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai đặt vấn đề về tính khả thi của quy định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao bởi vì khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu; do đó đề nghị xem xét lại. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này, đại biểu tỉnh Đắk Nông đề nghị phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang lưu ý, đối tượng người cao tuổi có đặc thù riêng nên chính sách hỗ trợ cũng cần có sự khác biệt. Theo đó, phải phát huy được trình độ, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới ngưỡng “dân số già”.

Liên quan tới điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 64 của dự thảo Luật, đại biểu tỉnh Tiền Giang cho rằng, theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 để tạo điều kiện cho những người lao động nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.

Ngoài ra, quan tâm tới quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, nhiều ý kiến đại biểu cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Để chính sách đạt được hiệu quả cao, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo: Nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc cơ bản về hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; bổ sung quy định trong dự thảo Luật các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên; cân nhắc quy định cụ thể danh mục công việc được phép tham gia và các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nhóm đối tượng lao động chưa thành niên;...

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ tán thành cao việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể về: Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo;chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo;...

***Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 10:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia Phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên thảo luận 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành nội dung phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia Phiên thảo luận

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia Phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia Phiên thảo luận./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác