Thảo luận tải Tổ 13: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

30/10/2024

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu

Quang cảnh phiên họp Tổ 13.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu. Đồng thời bám sát quan điểm tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định sửa đổi phải được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thảo luận tại Tổ 13, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật đấu thầu như Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, thủ tục cũng như phân cấp phân quyền trong quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu. Các đại biểu cũng đề nghị hết sức lưu ý, giải trình thấu đáo những vấn đề liên quan đã được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13.

Nhiều vướng mắc đã được giải quyết

Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua là liên quan đến vấn đề thể chế. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong năm 2023 và 2024, Chính phủ, Quốc hội đã tập trung tháo gỡ bằng các văn bản, Nghị quyết và triển khai xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi năm 2023). Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế và đã giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn.

"Có ĐBQH nói rằng tại sao cứ thay đổi như thế? Nhưng, những thay đổi ấy đều mang tính tích cực. Những vấn đề gì vướng mắc trong thực tiễn thì phải thay đổi theo đúng tinh thần: Hoàn thiện thể chế là bước đột phá. Cũng có ý kiến nói rằng "hay ngành y tế không cần đấu thầu mà thích mua thì mua". Điều đó không đúng bởi chúng ta là Nhà nước pháp quyền, thực hiện trong một khuôn khổ pháp lý chung", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật) có nội dung liên quan đến việc mua sắm, đấu thầu thuốc của nhà thuốc trong bệnh viện nêu rõ trong Tờ trình. Những vướng mắc, khó khăn này đã được Bộ Y tế rà soát trong quá trình làm việc với các địa phương, bệnh viện, cơ sở y tế…

Hiện nay, các cơ sở y tế công lập có triển khai việc tổ chức nhà thuốc bệnh viện để phục vụ mua sắm thuốc của người dân khi danh mục thuốc nằm ngoài danh mục thuốc BHYT, người dân có nhu cầu mua thì có thể mua ở nhà thuốc bệnh viện. Việc người dân mua thuốc ở nhà thuốc bệnh viện đảm bảo về chất lượng thuốc và giá cả.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tại dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu lần này đã đưa được nội dung giải quyết vấn đề mua sắm thuốc của nhà thuốc bệnh viện để có những cơ chế đặc thù phục vụ cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất, "Chúng ta nên có một cơ chế đặc thù để giải quyết đồng bộ, tránh trường hợp chính sách ban hành rồi mà vẫn có ý kiến kêu rằng không thực hiện được hoặc không phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp phù hợp để phục vụ nhu cầu thiết yếu của bệnh nhân trong bệnh viện”.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa

Thống nhất với nội dung hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật đấu thầu, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đồng tình với quan điểm cho rằng, không hợp thức hoá các sai phạm, đồng thời cũng nhất trí với quan điểm cho rằng, giữa nhà nước và doanh nghiệp thì "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, tại khoản 14, Điều 3 dự thảo Luật đã bổ sung thêm 4 trường hợp được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, trong đó bao gồm 3 trường hợp từ khoản 2 Điều 53 Luật PPP hiện hành, cụ thể gồm: dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án PPP; vì lợi ích quốc gia; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự, các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật cũng quy định kèm theo một điều kiện là: “hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng”.

Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện “hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng”, để đảm bảo trường hợp dự án PPP nào đó nếu nằm trong một trong 3 trường hợp nêu trên đều được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Nếu đưa cụm từ “hợp đồng dự án xác định thuộc trách nhiệm chi trả của cơ quan ký kết hợp đồng” vào, thì đối với các hợp đồng dự án PPP, đảm bảo nằm trong một trong 3 trường hợp nêu trên, mà không có cụm từ này, nghĩa là sẽ không thuộc diện được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Trong khi bản chất vấn đề, theo đại biểu, cơ bản 3 trường hợp nêu trên đều là các trường hợp xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, không mong muốn, vì đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, hoặc do hoàn cảnh thanh đổi theo quy định của pháp luật về dân sự. "Do vậy, đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này để tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tại Tổ 13.

Đối với các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành, phát sinh vướng mắc, đang triển khai thực tiễn tại một số địa phương, đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất cân nhắc cụ thể hoá thành một quy định tại dự thảo Luật sửa đổi lần này. Hoặc có thể cân nhắc phương án Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, trình, để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa có thể, tương tự như phương án đề xuất đối với các dự án BT chuyển tiếp.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng bày tỏ thống nhất với nội dung dự thảo Luật đã bổ sung quy định cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia một số dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70% và đã bổ sung thêm cả trường hợp dự án được thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật này quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định về nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất an ninh và quốc phòng. Giao cho Bộ Công an tổ chức thẩm định về nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất công nghiệp, an ninh và quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy. “Điều này nhằm thống nhất với việc phân cấp và thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong cải cách thủ tục hành chính”, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.

Về điều chỉnh nội dung Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đề nghị điều chỉnh điểm c, khoản 12, Điều 1 để loại trừ quy hoạch sử dụng đất an ninh, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng về công nghiệp, an ninh và quy hoạch hạ tầng phòng về cháy chữa cháy. Đồng thời đề nghị bổ sung các nội dung quy hoạch chuyên ngành liên quan đến an ninh vào danh mục quy hoạch chuyên ngành./.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 13:

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13.

Các đại biểu dự phiên thảo luận Tổ 13.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13.

Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ 13 kết luận nội dung thảo luận.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác