Thảo luận Tổ 13: Khơi thông nguồn lực, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

26/10/2024

Sáng ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025. Các đại biểu Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Bắc Ninh.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, bội chi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được cho phép

Các đại biểu Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Bắc Ninh thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.

Theo đó, các đại biểu đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đáng chú ý là nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của Quốc hội giao. Nhiều ngành kinh tế đã phục hồi hoàn toàn và trở lại mức bằng hoặc cao hơn trước đại dịch Covid - 19.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biễn mới nhanh chóng và phức tạp, đã ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển của đất nước. Song, do có sự lãnh đạo, sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành, chủ động tích cực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp… Tình hình kinh tế xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%).

Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm điều hành thảo luận tại tổ 13.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.

Đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng tốc độ tăng GDP năm 2024 tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. 9 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng vẫn còn nguy cơ khó đoán định. Xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực sang các thị trường còn gặp một số khó khăn, rào cản kỹ thuật cũng như điều tra chống bán phá giá.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn cao hơn cùng kỳ.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng có tác động lan tỏa.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại phiên họp Tổ.

Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá kỹ về tình hình thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2024, làm rõ nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân chậm để đề xuất giải pháp thiết thực để đảm bảo thực hiện mục tiêu của các Chương trình Mục tiêu quốc gia; đồng thời, rà soát nhu cầu vốn trong năm 2025 để đề xuất phù hợp, tránh tình trạng các Chương trình được ưu tiên dành nguồn lực nhưng thực tế không triển khai được, gây lãng phí, hiệu quả thấp.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa ngành, sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành hướng tới sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang dự phiên họp Tổ 13.

Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Theo đại biểu tỉnh Bắc Ninh, nguồn vốn là trái tim, dòng tiền là dòng máu nuôi sống doanh nghiệp, thế nhưng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp rất nhiều khó khăn, cản trở trong việc tiếp cận vốn. Chỉ 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi đó, các doanh nghiệp này cần rất nhiều nguồn lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thiếu vốn làm giảm khả năng phát triển và đổi mới sáng tạo, đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy “chết yểu”. Do vậy, cần tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng duy trì lãi suất thấp, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn; khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Đồng thời, cần nghiên cứu, triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh, có sự phân hóa trong các lĩnh vực về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn. Bên cạnh đó, việc thiết lập các "hàng rào kỹ thuật thông minh" sẽ bảo vệ doanh nghiệp tư nhân trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nước ngoài, là chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp trong nước có thể đứng vững trước sóng gió của thị trường toàn cầu, đảm bảo cho sản xuất nội địa không bị thua ngay trên sân nhà.

Đại biểu Nguyễn Như So cũng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, triển khai quyết liệt và đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ xanh nhằm thực hiện mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050./.

Một số hình ảnh tại phiên họp tổ 13:

Quang cảnh phiên họp Tổ 13.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn dự phiên họp Tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Tổ.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Tổ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Tổ.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác