Luôn song hành cùng với Quốc hội Việt Nam
Quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng Quốc hội luôn song hành cùng với Quốc hội Việt Nam, với tổ chức bộ máy thay đổi phù hợp từng giai đoạn. Văn phòng Quốc hội được xác định qua bốn giai đoạn với các tên gọi khác nhau:
Từ 1946 - 1960 là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội;
Từ 1960 - 1981 là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Từ 1981- 1992 là Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;
Từ năm 1992 đến nay là Văn phòng Quốc hội.
Qua 74 năm hình thành và phát triển, tuy cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng có những thay đổi theo từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước, nhưng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước và hoạt động của Quốc hội.
Khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX
Trong hơn 14 năm, từ 1946- 1960, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân xâm lược, mặc dù mới được thành lập, cán bộ, nhân viên rất hạn chế nhưng Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đảm nhận, hoàn thành các công việc trong phạm vi trách nhiệm được giao. Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các chủ trương, chính sách lớn, giám sát Chính phủ trong các công việc kháng chiến, cùng Chính phủ theo dõi diễn biến và quyết định việc ký Hiệp định Giơ ne vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật khác.
Kết quả tham mưu, giúp việc của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội góp phần giúp Quốc hội đã đóng góp xứng đáng vào việc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân; đặt nền móng chính trị, pháp lý quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Việt Nam hợp hiến, hợp pháp để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại.
Từ 1960- 1981, giai đoạn cả nước tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong 21 năm hoạt động, với tên gọi mới là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, tổ chức, nhiệm vụ được xác định cụ thể hơn. Số lượng cán bộ, nhân viên được nâng lên, Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ tập thể, chủ động sáng tạo, tăng cường đoàn kết, hợp tác, nâng cao tính nguyên tắc, tổ chức, kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp Quốc hội các khóa II, III, IV, V và VI xem xét, quyết định nhiều chính sách quan trọng của đất nước, Hiến pháp năm 1980, góp phần to lớn vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khôi phục và phát triển đất nước trong những năm đầu sau khi hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà.
Từ năm 1981 đến nay, để phù hợp với sự thay đổi của cơ quan thường trực Quốc hội theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước, Văn phòng Ban Thường trực được đổi tên thành Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước từ tháng 7 năm 1981, Văn phòng Quốc hội từ tháng 9 năm 1992.
Theo đó, Văn phòng giúp việc của Quốc hội được bổ sung nhiệm vụ ngày càng đầy đủ và cụ thể hơn; tổ chức bộ máy, cán bộ không ngừng được tăng cường cả chất lượng, số lượng, hoạt động đi vào nề nếp, đạt hiệu quả và chất lượng hơn; tham mưu, giúp Quốc hội từ khóa VII đến khóa XIV hiện nay đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Văn phòng Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới trong tổ chức và hoạt động, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, gắn với chủ trương tinh gọn bộ máy, hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội trở thành một tập thể vững mạnh gồm 28 vụ, cục, đơn vị cùng 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ, năng lực chuyên môn, sẵn sàng đảm nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Cơ quan, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh,... có nhiều đổi mới cả về tổ thức và phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào việc động viên cán bộ, công chức của cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của Văn phòng Quốc hội cũng được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Văn phòng Quốc hội năm 2016
Với những công lao, đóng góp xứng đáng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, tặng thưởng Văn phòng Quốc hội nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, Văn phòng Quốc hội đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Sao vàng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (02/3/1946 – 02/3/2006) và tặng Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (02/3/1946 – 02/3/2016). Đây là những phần thưởng lớn, rất có ý nghĩa ghi nhận kết quả cống hiến, trưởng thành của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội trong suốt thời gian qua; cổ vũ, động viên cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc Quốc hội tiếp tục phát huy thành tích đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.
Không ngừng cải tiến, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động
Với nỗ lực không ngừng cải tiến, đổi mới trong tổ chức và hoạt động, Văn phòng Quốc hội tiếp tục góp phần quan trọng vào thành tựu đổi mới của Quốc hội cả trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chất lượng công tác tham mưu phục vụ hoạt động lập pháp của Văn phòng Quốc hội ngày càng được nâng cao, đã tăng cường hơn tính chủ động, chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu. Trong năm 2019, Văn phòng đã phối hợp tham mưu, phục vụ việc chuẩn bị và trình Quốc hội thông qua 18 luật, bộ luật, 27 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 223 nghị quyết và cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều tham mưu nhằm cải tiến quy trình lập pháp, theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật. Qua đó góp phần quan trọng trong việc phục vụ Quốc hội ban hành nhiều đạo luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; củng cố quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện các quy định về giáo dục, đào tạo, quan hệ lao động, về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước...
Về công tác giám sát, Văn phòng đã tham mưu giúp Quốc hội xây dựng chương trình giám sát hàng năm, triển khai thực hiện giám sát tại kỳ họp Quốc hội; phục vụ các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Phạm vi phục vụ công tác giám sát rất đa dạng, phong phú, tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong xã hội.
Văn phòng Quốc hội cũng đã phục vụ Quốc hội ban hành nhiều quyết định có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế; ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, chương trình mục tiêu quốc gia…
Về công tác đối ngoại, Văn phòng đã tích cực phối hợp tham mưu, phục vụ triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cả song phương và đa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, mục đích, yêu cầu và nội dung đề ra; bám sát chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đối thoại với cán bộ, đoàn viên, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội
Mặc dù phải thực hiện khối lượng công việc lớn nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao, Văn phòng Quốc hội đã tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, phục vụ theo đúng tiến độ, chương trình, kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Công tác phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động lập pháp tiếp tục được cải tiến, chuyên nghiệp, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng ngày càng thiết thực hơn, tập trung vào những vấn đề lớn, bám sát tình hình thực tế, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Công tác phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động đối ngoại, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng hiệu quả, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra. Công tác tổ chức, cán bộ, hành chính, tổng hợp, thông tin, báo chí, thư viện, bảo tàng, tin học, lễ tân, tài chính, an ninh an toàn, cơ sở vật chất, kỹ thuật… được được thực hiện chu đáo, có nhiều tiến bộ. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực.
Kế thừa, phát huy thành tích, truyền thống tốt đẹp và để có sự phát triển vững mạnh, điều kiện thuận lợi như ngày nay, Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; quan tâm kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đoàn kết, tuyệt đối trung thành, tận tâm, tận tụy với công việc, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng là công bộc của Nhân dân, người lính văn phòng xung kích, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn của Quốc hội; tăng cường, đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phân công, điều hành, quản lý, tổ chức triển khai công việc; tích cực, chủ động phối hợp với 03 Văn phòng Trung ương và các cơ quan, bộ, ban ngành trung ương, các cấp chính quyền địa phương; chăm lo công tác xây dựng Đảng, các tổ chức đoàn thể cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn cơ quan. Đây nhà những nguyên nhân chủ yếu tạo nên những thành tích, kết quả của Văn phòng Quốc hội trong thời gian qua, cần tiếp tục thực hiện, phát huy tốt hơn trong thời gian tới.
Phấn đầu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng như: tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 45 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước..., cũng là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41... Nhiệm vụ đặt ra cho Quốc hội nói chung và cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc của Quốc hội nói riêng là rất lớn, nặng nề. Yêu cầu đó đòi hỏi Văn phòng Quốc hội phải tiếp tục đổi mới, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tiếp tục hoàn thiện và triển khai việc sắp xếp kiện toàn cơ cấu bộ máy, nhân sự Văn phòng Quốc hội, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ, triệt để công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Văn phòng Quốc hội
Trong năm 2020, Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ việc chuẩn bị và tổ chức kỳ họp thứ 9 và thứ 10 của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phối hợp tham mưu, phục vụ triển khai hiệu quả chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Quốc hội, đặc biệt là các hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020, trọng tâm là Đại hội đồng AIPA 41.
Cùng với đó là tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phát động và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2021), 75 năm Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội (02/03/1946 – 02/03/2021) và Đại hội thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ 5 hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội; sự phối hợp chặc chẽ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, 03 Văn phòng Trung ương và các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể và tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, lòng nhiệt tình, hăng hái thi đua, không ngừng sáng tạo, phấn đấu vượt qua khó khăn, nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hứa hẹn Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy được bề dày truyền thống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp Quốc hội./.