Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Phóng viên: Thưa ông, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ Nhất phải được tổ chức chậm nhất 60 ngày sau bầu cử. Ông có thể cho biết việc tổ chức Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong cả nhiệm kỳ?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Có thể nói, kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, thực hiện Điều 83 của Hiến pháp, Quốc hội phải tổ chức kỳ họp thứ nhất chậm nhất 60 ngày sau bầu cử. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV thực hiện 5 nội dung rất quan trọng.
Thứ nhất, công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Nếu không thực hiện công tác nhân sự, chúng ta sẽ không thể đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, Quốc hội nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nếu Quốc hội không quyết định các vấn đề này sẽ gây khó khăn cho Chính phủ trong việc triển khai, điều hành cụ thể. Vì thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội phải thông qua các chủ trương này. Nếu Quốc hội thông qua chậm thì rõ ràng lĩnh vực về đầu tư công và các lĩnh vực quan trọng khác sẽ gặp nhiều khó khăn và thực hiện chậm hơn.
Thứ tư, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thứ năm, Quốc hội xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.
Đây là những vấn đề hết sức quan trọng của đất nước. Hy vọng Quốc hội tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, quyết định và thông qua những nội dung quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, qua đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Phóng viên: Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ mới ra văn bản chỉ đạo áp dụng giãn cách xã hội thêm đối với 16 tỉnh thành phía Nam, vậy phương án tham dự kỳ họp đối với các đại biểu Quốc hội của 19 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách này sẽ được thực hiện như thế nào?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án rất kỹ lưỡng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ kết quả thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vừa qua, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức này. Chính vì thế, kỳ họp này được tổ chức, tiến hành trên các cơ sở biện pháp liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 hết sức chặt chẽ.
Trước hết, đối với tất cả đại biểu Quốc hội thực hiện tiêm vắc xin rồi tiến hành xét nghiệm, chúng tôi yêu cầu nghiêm ngặt ko được rời khỏi nơi tạm trú. Đối với các tỉnh thành giãn cách theo Chỉ thỉ 16, Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp và thống nhất đối với các đại biểu ở địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thỉ 16 khi về Hà Nội thông thường phải thực hiện cách ly y tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định: nếu các đại biểu đã xét nghiệm đủ 3 lần âm tính và đã tiêm vắc xin thì tiến hành về họp bình thường, không phải cách ly. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện rất nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã bố trí cho các đoàn đại biểu ở riêng 01 khu vực, đưa đón bằng phương tiện xe riêng của các đoàn đến Nhà Quốc hội, lối đi vào riêng, chỗ ngồi họp ở khu vực riêng tại Hội trường Diên Hồng. Đồng thời tính đến các phương án dự phòng nếu trường hợp phát hiện đại biểu có biểu hiện nghi nhiễm sẽ được bố trí phòng họp riêng để cách ly nhưng vẫn tham dự đầy đủ tất cả các nội dung của kỳ họp và vẫn thực hiện các nhiệm vụ bỏ phiếu như bình thường. Thời gian nghỉ giải lao giữa giờ, chúng tôi cũng bố trí khu vực riêng cho các đoàn.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị và các phương án dự phòng cũng như công tác kiểm tra, xét nghiệm Covid-19 được tiến hành thường xuyên hơn. Các đại biểu sau khi đã xét nghiệm ở địa phương 3 lần, nhưng khi về họp tại Hà Nội vẫn phải tiếp tục xét nghiệm thêm 2 lần nữa để đảm bảo thật sự an toàn.
Chúng tôi cũng quán triệt tất cả đại biểu Quốc hội, không riêng các đoàn đại biểu ở các tỉnh/thành phía Nam đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch như: Không tổ chức giao lưu, không tổ chức gặp mặt và không rời khỏi nơi ở theo quy định của Ban Tổ chức; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K. Đồng thời bố trí một Tổ thường trực tại Nhà Quốc hội để đo, kiểm tra thân nhiệt cho các đại biểu, đảm bảo khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo an toàn tốt nhất cho tất cả đại biểu.
Phóng viên: Từ thực tiễn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp vừa qua, lần đầu tiên chúng ta đạt được tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách rất cao, tỷ lệ đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số tăng lên trong 3 khóa gần đây và tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội cũng cao nhất từ Quốc hội khóa VI đến nay, đạt 30,26%. Theo ông, những kết quả đạt được từ cuộc bầu cử này có ý nghĩa như thế nào với Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và các kỳ họp tới?
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Trước hết, lực lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cao là chúng ta đang cố gắng phấn đấu dần dần theo hướng 40% - 45% - 50% đại biểu Quốc hội chuyên trách để có lực lượng toàn tâm toàn ý và chuyên nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật, như vậy công tác xây dựng luật sẽ được thực hiện tốt hơn. Khi tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách càng cao thì chất lượng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước sẽ ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã đặt ra nhiều đề án đổi mới trong hoạt động giám sát, đổi mới trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là đổi mới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà chúng tôi đang tiến hành triển khai.
Tỷ lệ đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội tăng cao trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây là tín hiệu tốt, thể hiện kết quả đáng mừng từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thông thường trong nhiều vấn đề Quốc hội bàn thảo phải lồng ghép nội dung bình đẳng giới. Vai trò và hiệu quả hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội cũng đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Vì thế, với tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội cao nhất kể từ Quốc hội Khóa VI đến nay là một thuận lợi lớn cho Quốc hội trong việc bảo đảm các chính sách, pháp luật, các dự án, đề án, vấn đề quan trọng quốc gia được xem xét thấu đáo hơn từ góc độ bình đẳng giới. Hay vấn đề quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu phát huy lực lượng này trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội thì chúng ta sẽ thực hiện được tốt hơn, góc nhìn từ những đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả hơn trong việc đảm bảo các chính sách, pháp luật.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!