THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

05/04/2021

Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân". Cuộc thi sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày, từ ngày 01/4/2021 đến hết ngày 30/4/2021.

Đây là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; triển khai có hiệu quả các văn bản của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 31/3 vừa qua tại Nhà Quốc hội, Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo Phát động cuộc thi. Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, cuộc thi được tổ chức nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và Nhân dân trên phạm vi cả nước và công dân Việt Nam ở nước ngoài; qua đó nâng cao hiểu biết, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2020, góp phần tạo nên thành công của Cuộc bầu cử.

Lễ Phát động cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân"

Các nội dung cuộc thi là các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; một số quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tại địa chỉ website: https://thitimhieuphapluat.moj.gov.vn hoặc truy cập Chuyên mục Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội; Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử Quốc gia; Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; Trang thông tin điện tử Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Báo Điện tử Đại biểu nhân dân và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.

Người dự thi truy cập đăng ký dự thi theo hướng dẫn và thực hiện trả lời 20 câu hỏi (bao gồm 19 câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp, 01 câu dự đoán số lượng người dự thi trả lời đúng tất cả các câu hỏi trắc nghiệm) trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet.

Trong quá trình diễn ra Cuộc thi, mỗi cá nhân được dự thi tối đa 03 lượt thi để có thể cải thiện kết quả, mỗi lượt thi kéo dài tối đa 20 phút.

Thời gian thi: 30 ngày (từ 0h00 ngày 01/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021).

Giải thưởng Cuộc thi gồm: Giấy chứng nhận và mức giải thưởng như sau: Giải Nhất: 20.000.000 đồng/giải (Hai mươi triệu đồng/giải); 05 Giải Nhì: 5.000.000 đồng/giải (Năm triệu đồng/giải); 10 Giải Ba: 3.000.000 đồng/giải (Ba triệu đồng/giải); 20 Giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải (Một triệu đồng/giải) và một số giải thưởng phụ khác dành cho các địa phương có nhiều người dự thi…

Tại cuộc họp gần đây của Hội đồng bầu cử quốc gia, nhiều thành viên nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay, cả nước đang tích cực các công việc chuẩn bị cho sự kiện chính trị, pháp lý rất quan trọng và để cuộc bầu cử thành công, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Cuộc thi tìm hiểu có mục đích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về bầu cử. Người dự thi có dịp tiếp cận đầy đủ, nghiên cứu cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thông tin về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…

Chưa đầy hai tháng nữa là cử tri, nhân dân cả nước nô nức đi bầu cử. Ðể cuộc bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật bầu cử đóng vai trò quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội. Vừa qua, các hoạt động tuyên truyền về bầu cử được nhiều địa phương coi trọng, được xem là một nhiệm vụ trọng tâm đang được các cấp, các ngành tập trung thực hiện. Tại nhiều nơi đã huy động nguồn lực biên soạn các tài liệu hỏi - đáp, tờ gấp phục vụ tuyên truyền, chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, với nhiều phương thức sáng tạo, hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn sẽ góp phần tích cực vào sự thành công của cuộc bầu cử./.

Bảo Yến