Toàn cảnh buổi lễ
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội.
Lễ kỷ niệm gồm hoạt động triển lãm ảnh và nói chuyện chuyên đề, nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quốc hội.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tóm lược thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch nước, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng. Theo đó, Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là đại biểu Quốc hội liên tục các nhiều khóa, từ khóa I đến khóa VI; là Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội vào năm 1946; Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội vào năm 1948 và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ năm 1955 đến năm 1960.
Với trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đồng chí Tôn Đức Thắng đã vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng là dịp để chúng ta bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc với đồng chí- một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; người chiến sĩ hể sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã được xem đoạn phim tài liệu “Người cộng sản Tôn Đức Thắng”, cùng những hình ảnh tư liệu quý về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tại buổi nói chuyện, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng.
Tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh cho biết, sau tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên (năm 1906); năm 1907, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão cuộc đời. Vốn thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Nhận ra sức mạnh và những bất công mà giai cấp công nhân phải chịu đựng, càng giúp Tôn Đức Thắng thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, cho dân tộc và giai cấp công nhân.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước, Trưởng Ban thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng
Năm 1912, khi mới 24 tuổi, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng rất vinh quang. Là người có uy tín lớn trong Đảng, trong Nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhiệm qua nhiều chức vụ, đặc biệt, ông là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 27 năm liên tục, ông làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và MTTQ Việt Nam, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II, III, IV cho đến khi qua đời (ngày 30/3/1980). Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhà chính trị kiên định, nhà tổ chức tài năng, có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị.
Hình mẫu lý tưởng về đạo đức cách mạng
Tháng 7/1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn) và một năm sau bị đày ra Côn Đảo. Gần 17 năm bị giam ở ngục tù đế quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ là một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đã đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân - hội tù Côn Đảo đầu tiên; góp phần quan trọng vào việc thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, với mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài. Đặc biệt khi Chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, đồng chí Tôn Đức Thắng tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức về lý luận cơ bản và nội dung huấn luyện cho các tù nhân. Nhờ sự bí mật, khôn khéo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã giúp Chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở Côn Đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin... dùng làm tài liệu học tập trong tù.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Hội tù nhân do đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ huy đã có nhiều hình thức và tổ chức hoạt động phong phú phù hợp với hoàn cảnh mới. Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện; chớp thời cơ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tinh thần đó, Đảng ủy Côn Đảo chủ trương đoàn kết các lực lượng tù chính trị trên đảo giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Đồng chí Tôn Đức Thắng được cử vào đoàn đại biểu đến gặp Quản đốc Lê Văn Trà, buộc Trà phải đồng ý một số vấn đề như: tổ chức chính quyền liên hiệp trên đảo, sửa chữa vô tuyến điện, sửa chữa radio để nghe tin tức, sửa chữa canô để đưa đại biểu về đất liền xin ý kiến của Chính phủ...
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để vượt qua sự khốc liệt của ngục tù đế quốc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và kẻ thù khiếp sợ. PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhà cách mạng với phẩm chất đạo đức sáng ngời, luôn chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ, sống cuộc đời bình dị, đạm bạc, thanh cao, luôn giữ lòng thanh liêm, chính trực, trong sáng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ lớp đầu phong trào công nhân, người đã thành lập Công hội bí mật - tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Những thông tin quý báu tại buổi nói chuyện đã góp phần giúp các đại biểu tham dự hiểu rõ hơn thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đặc biệt trong thời gian đồng chí giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, không chỉ cho đất nước, dân tộc mà còn cho cả phong trào quốc tế cộng sản. Qua đó, giúp các cán bộ công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội hiểu, tiếp tục học tập và làm theo tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong thời gian tới./.