Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

15/04/2025

Sáng 15/4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Kinh tế và Tài chính tổ chức Toạ đàm “Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng”. Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Hải Nam chủ trì buổi tọa đàm.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính họp về dự thảo Nghị quyết Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có: Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện Hiệp hội ngân hàng thương mại…

Báo cáo về nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đông cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành để điều chuyển thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt (có hoặc không có tài sản bảo đảm) đối với tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đông

Tham gia ý kiến tại Tọa đàm, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần làm rõ tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật khi luật hóa các quy định này với các luật hiện hành như Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự..

Liên quan đến Điều 198 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSĐB) của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ trong trường hợp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu... các đại biểu đề nghị làm rõ các quy định trong quá trình thu giữ; bản chất, mục tiêu, điều kiện và phạm vi thực hiện quyền thu giữ TSBĐ và vai trò của cơ quan nhà nước trong việc tham gia thu giữ TSBĐ; bảo đảm tính “nhân văn” trong việc thu giữ TSBĐ khi xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, tránh việc lạm dụng quyền thu giữ TSBĐ và gây tổn hại lợi ích hợp pháp của người đi vay.

Đại biểu tham gia góp ý tại Tọa đàm

Liên quan đến việc cho vay không có tài sản bảo đảm, cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất 0%, các đại biểu đề nghị làm rõ những ưu điểm, rủi ro của chính sách này, cũng như cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức tín dụng chủ động tái cấu trúc, cải thiện tình hình tài chính cũng như thận trọng hơn trong quản lý rủi ro, tránh việc lạm dụng chính sách cũng như phụ thuộc vào hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, các đại biểu cho ý kiến để làm rõ bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện, vai trò của các cơ quan liên quan… khi tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Hải Nam 

Kết luận Tọa đàm, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Hải Nam ghi nhận các ý kiến rất trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tính nhân văn khi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến để xây dựng phương án tối ưu nhất khi trình dự án Luật ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Diệu Huyền - Thùy Linh