Tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

15/04/2025

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng chủ trì Tọa đàm.

Tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo

Toàn cảnh Tọa đàm

Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua năm 2012 đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng, cụ thể cho hoạt động quảng cáo, từ đó thúc đẩy thương mại hàng hoá, dịch vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, sau 12 năm thực thi, thị trường quảng cáo Việt Nam đã có nhiều thay đổi, với sự phát triển vượt bậc, nội dung, phương thức quảng cáo ngày càng đa dạng, phong phú với sự ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng sâu rộng; cùng với đó một số quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn không còn phù hợp và đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 41 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng chủ trì Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì thẩm tra, Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành và các toạ đàm với chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật. Qua đó, Uỷ ban đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng nêu rõ, so với dự thảo Luật được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện với tinh thần tiếp thu nghiêm túc, triệt để các ý kiến góp ý; có những bước điều chỉnh căn bản, đổi mới về tư duy, kỹ thuật lập pháp, phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong kỷ nguyên mới. “Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm hôm nay sẽ giúp cho Ủy ban nắm bắt thêm những vấn đề thực tiễn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Quảng cáo, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng nói.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thị Thu Hương

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thị Thu Hương trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, so với các dự thảo trước, dự thảo đã thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn trọng, có chọn lọc các ý kiến đóng góp và gắn với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay với nhiều điểm mới, sát hợp hơn. Cụ thể, dự thảo đã làm rõ thêm một số khái niệm, thể hiện sự bao quát hơn các lĩnh vực, các đối tượng liên quan đến hoạt động quảng cáo; xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các đối tượng, trong đó người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người có tầm ảnh hưởng hoặc vấn đề quảng cáo trên mạng - những vấn đề đang được xã hội quan tâm; giảm được một số quy định về điều kiện, thủ tục rườm rà góp phần tăng tính khả thi, ổn định hơn của dự thảo Luật.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cho rằng, cần cập nhật, bổ sung thêm một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo theo Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (mới ban hành); Luật Hóa chất (đang sửa đổi, bổ sung) để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện. Đồng thời điều chỉnh nội dung về quảng cáo trên phương tiện giao thông theo hướng: “Phương tiện giao thông được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở hai mặt bên và mặt sau của phương tiện...” để phát huy tính sáng tạo của nghề quảng cáo và tạo thêm điều kiện cho các nhà quảng cáo mở rộng hoạt động, thu hút khách hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, nghiên cứu quy định cụ thể về hoạt động quảng cáo đối với các loại hình giao thông như tầu hỏa, tàu thủy, máy bay, vật thể bay (khinh khí cầu, Drone...), bởi các phương tiện này khác với phương tiện ô tô, xe máy...

Cho rằng cần tiếp cận dự thảo Luật theo hướng quảng cáo như một ngành kinh tế, đại diện Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Văn Hùng cho rằng, bản thân quảng cáo mang lại doanh thu rất lớn, chỉ khi nhìn nhận ngành này như một ngành kinh tế, với hoạt động kinh doanh đa dạng, liên tục vận động, các quy định quản lý mới có thể phù hợp với thực tiễn phong phú và hỗ trợ sự phát triển của ngành này.

Đại diện Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Văn Hùng

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Hùng đề xuất, dự thảo Luật cân nhắc phân hóa trách nhiệm cụ thể hơn giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo. Đặc biệt, bổ sung các quy định rà soát, giám sát phù hợp, bởi số lượng nội dung quảng cáo được tạo ra mỗi ngày trên các nền tảng số là quá lớn. Lấy dẫn chứng một số quốc gia đã có quy định này, ông Phạm Văn Hùng cho biết, Cơ quan Quản lý tiêu chuẩn quảng cáo của New Zealand đã xây dựng cơ chế báo cáo trực tuyến cho phép người dùng báo cáo về người có ảnh hưởng vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Cơ quan này sẽ xuất bản báo cáo, liệt kê chi tiết tên người có ảnh hưởng vi phạm, hành vi vi phạm và kết quả xử lý để mọi người cùng theo dõi.

Các đại biểu tại Tọa đàm

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh, quảng cáo số trên các ứng dụng thương mại điện tử đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được quản lý chặt chẽ. Do vậy, dự thảo Luật cần định nghĩa một cách rõ ràng về thông điệp quảng cáo số, đảm bảo phù hợp với Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), đảm bảo quảng cáo số phát triển bền vững, mang lại lợi ích và hiệu quả cho nền kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết đại biểu; đồng thời khẳng định, các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm hôm nay sẽ được Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tiếp thu, tổng hợp, rà soát, phối hợp với Cơ quan soạn thảo để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Toàn cảnh Tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng chủ trì Tọa đàm

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Thoa

 Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng

 Tổng Biên tập Tạp chí Tiếp thị và Gia đình Hoàng Văn Vững

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean, ông Nguyễn Minh Đức 

Các đại biểu tại Tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy Văn hóa và Xã hội Triệu Thế Hùng phát biểu kết luận

Hiểu Linh - Nghĩa Đức