Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực
Đảm bảo nâng cao chất lượng nội dung, tiết kiệm thời gian kỳ họp
Dự hội thảo còn có bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM; thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và lãnh đạo các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng qua 10 năm thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013) nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tạo những chuyển biến cơ bản, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh các kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số hạn chế trong các quy định cũng như công tác tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh Hội thảo
Trên cơ sở rà soát yêu cầu thực tiễn, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên bám sát chủ trương, chỉ đạo, yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị và Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về "Chống lãng phí", coi đây là kim chỉ nam để đề xuất các giải pháp chính sách hoàn thiện Luật; cần lược bỏ các quy định trùng lặp, chồng chéo với các quy định pháp luật chuyên ngành; đẩy mạnh phân cấp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ thẩm quyền quy định một số nội dung có tính biến động, không ổn định hoặc chủ động thực hiện một số nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn; nâng cao tính chủ động, tự nguyện, tự giác trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí để xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội. Quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức, chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra các hành vi gây lãng phí.

Ông Đặng Xuân Quang - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài Chính tham luận tại Hội thảo
Xuất phát từ thực tiễn tại Tp.HCM, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Lệ kiến nghị trong quá trình sửa đổi luật cần thống nhất với các luật liên quan, tránh gây lúng túng khi áp dụng. Về trách nhiệm người đứng đầu cần bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra lãng phí. Nhấn mạnh việc sáp nhập, đổi mới đơn vị hành chính trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lệ đề xuất sửa đổi Luật theo hướng: gắn luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với đổi mới mô hình quản lý công, tinh giản bộ máy, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; Tăng cường phân cấp, phân quyền đi kèm với trách nhiệm giải trình trong sử dụng nguồn nhân lực nhà nước… Đồng thời, có cơ chế khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân tiết kiệm hiệu quả, có sáng kiến quản trị công.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM tham gia thảo luận
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phạm Thúy Chinh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu đồng thời nhấn mạnh tư tưởng và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang là một trong những nhiệm vụ then chốt và hoàn thiện thể chế, trong đó có tổng kết, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hết sức cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ nguồn lực quốc gia.

Bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài Chính của Quốc hội phát biểu kết luận Hội thảo
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thúy Chinh, các cơ chế giám sát, khuyến khích sáng tạo, quản lý tài nguyên bền vững, sự tham gia của cộng đồng cần được cụ thể hóa trong chính sách luật pháp để tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc chống lãng phí trong mọi lĩnh vực. Các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội thảo sẽ được Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiếp thu, thể hiện trong các văn bản báo cáo với Bộ Chính trị trong tháng 5 tới về việc rà soát, tổng kết thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đề xuất các chính sách quan trọng để Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến trước Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội đối với dự án luật này. Theo dự kiến, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10 diễn ra vào cuối năm 2025.