ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

18/08/2022

Sáng ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp.

Xác định kỹ lưỡng tài nguyên tần số vô tuyến điện phải được sử dụng, khai thác hiệu quả nhất

Tại Phiên họp, đề cập về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Lê Quang Huy khẳng định: Ngay sau Kỳ họp thứ 3, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã bám sát các mục tiêu chính sách (như về quy hoạch, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện; nghĩa vụ tài chính khi sử dụng tần số vô tuyến điện; quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả khai thác các tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh...), tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm; phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Lê Quang Huy.

Về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng (khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật): Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, làm rõ việc giới hạn có làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy: Băng tần dành cho thông tin di động là hữu hạn. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ thâu tóm lượng lớn tần số, các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.

Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp, không trái với khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013, Luật Cạnh tranh.

Kinh nghiệm quốc tế tại 22 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có 19/22 quốc gia (chiếm 86%) quy định giới hạn băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật.


Toàn cảnh Phiên họp. 

Về phương thức cấp phép (khoản 5, 6, 7, 8 Điều 1 dự thảo Luật): Nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, nguyên nhân là ở quy định của pháp luật hay vướng mắc trong thực tiễn triển khai và giải pháp khắc phục. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo một số vướng mắc dẫn đến 13 năm qua chưa đấu giá tần số vô tuyến điện và giải pháp khắc phục như sau:

Vướng mắc trong quy định pháp luật: Năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực. Trong giai đoạn 2010-2014, các doanh nghiệp viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần do vừa mới được cấp phép băng tần cho mạng 3G thông qua thi tuyển vào năm 2009 và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai mạng 3G. Trong những năm này, các quy định pháp luật về đấu giá tần số vô tuyến điện đã cơ bản được hoàn thiện. Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá các băng tần này. Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu và phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng Nghị định. Cuối năm 2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Vướng mắc trong thực tiễn triển khai: đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá.

Đề cập về giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định (khoản 5 và khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật) nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua: (1) Thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, áp dụng đối với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp; (2) Làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp; (3) Giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp.

Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần (khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật): Một số ý kiến đề nghị làm rõ tại sao có quy định các mốc thời gian doanh nghiệp phải nộp đề nghị cấp lại là 03 năm và 06 tháng; có thể nâng từ 03 năm lên thành 05 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động phương án kinh doanh không.

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, quy định tại dự thảo Luật đặt ra hai mốc thời gian: 03 năm là thời điểm xem xét doanh nghiệp có nằm trong diện được cấp lại hay không, để doanh nghiệp chuẩn bị các phương án kinh doanh mới; 06 tháng là thời điểm để doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, cơ quan quản lý thực hiện các thủ tục, cấp giấy phép và thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong đó, khoảng thời gian xem xét cấp lại giấy phép cần đảm bảo đủ dài. Trường hợp không được cấp lại giấy phép, doanh nghiệp còn có thời gian để thực hiện chuyển đổi mạng lưới và khách hàng. Nếu dài quá (thí dụ 05 năm) thì việc quy hoạch tần số vô tuyến điện có thể không theo sát sự thay đổi của công nghệ. Tham khảo kinh nghiệm 32 quốc gia trên thế giới có quy định về cấp lại giấy phép trong Luật, thời điểm xem xét cấp lại sớm nhất là 03 năm trước khi giấy phép hết hạn. Vì vậy, việc chọn các mốc thời gian như dự thảo Luật là phù hợp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung Phiên họp./.

Bích Lan-Phạm Thắng