Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện gửi 10 Bộ trưởng về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22.8.2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30.8.2021 để trình Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp thứ Hai (dự kiến tháng 10.2021) cho ý kiến về dự án các dự án luật này.
Khơi thông “điểm nghẽn” đầu tư kinh doanh
Kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế thuộc các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Qua tổng hợp, rà soát của Văn phòng Chính phủ có một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ…
Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện, một số quy định của luật đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, vô hình trung đang trở thành rào cản cho phát triển đầu tư, kinh doanh.
Phản ánh thực tế từ địa phương, tại phiên họp tổ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, đại biểu Quốc hội Dương Văn Thái (Bắc Giang) cho rằng, một số quy định của Luật Xây dựng có bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Theo quy định của Luật này, công trình trên 10 tầng do Bộ Xây dựng thẩm định. Với guồn nhân lực ít, trong khi cả nước có biết bao nhiêu công trình như vậy, thì việc thẩm định đến bao giờ mới xong để thực hiện dự án? - ông Thái đặt vấn đề.
Bộ Xây dựng có 5 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Kiến trúc trong danh sách đề nghị sửa đổi. Ảnh minh họa
Đây cũng là lý do, một số địa phương đã “lách” bằng cách chọn phương án xây công trình dưới 10 tầng để cấp tỉnh thẩm định cho nhanh. Đó là chưa kể công trình xây dựng 10 tầng do Bộ Xây dựng thẩm định để cấp phép, nhưng sau đó còn phải đưa vào nghiệm thu rồi mới được đi vào sử dụng. Đây cũng là quãng thời gian dài phải chờ đợi.
Cũng theo ông Thái, ở Bắc Giang có dự án cải tạo chung cư cũ và nhà chung cư mới đã xây xong cả năm, nhưng người dân vẫn chưa vào ở được vì Bộ Xây dựng chưa thẩm định, gây khó khăn cho địa phương. “Nếu đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và địa phương chịu trách nhiệm sẽ tháo gỡ bớt được những rào cản”- ông Thái nhấn mạnh. Phản ánh của ông Thái chỉ là một trong những vướng mắc quy định của luật cần phải được sửa đổi cho phù hợp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn", huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. Tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng...
Thực tế cho thấy, vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số bộ, cơ quan chưa tham gia tích cực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng pháp luật, còn có sự ủy quyền, giao phó cho cấp dưới, dẫn đến chất lượng dự án luật trình chưa bảo đảm chất lượng. Tình trạng dự án luật “giữa đường đổi hướng” vẫn xảy ra, gây khó khăn cho cơ quan thẩm tra. Thậm chí, có những dự án dù được đưa ra thảo luận vẫn không nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội phải rút ra khỏi chương trình. Rút kinh nghiệm, lần này, Thủ tướng giao đích danh nhiệm vụ cho Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác rà soát, nghiên cứu sửa đổi các luật. Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu là rất cần thiết, sẽ siết chặt hơn chất lượng xây dựng các dự án luật.
Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 10 bộ trưởng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật để gửi Bộ Tư pháp tổng hợp bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi 29 luật để Chính phủ kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai là rất cần thiết, nhằm khơi thông các “điểm nghẽn” về đầu tư, kinh doanh.
Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi các bộ trưởng phải sát sao, “cầm tay chỉ việc” để bảo đảm chất lượng các dự án Luật trước khi trình Chính phủ. Chính phủ phải siết chặt chất lượng các dự án Luật trước khi chuyển sang “sân” của Quốc hội bởi trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “chúng ta đã hứa với cử tri và Nhân dân sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, nâng cao chất lượng xây dựng luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bây giờ là lúc phải thực hiện lời hứa đó”.
Đề xuất sửa đổi 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ gồm:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 7 Luật: Đầu tư, Đầu tư công, Quy hoạch, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, PPP.
Bộ Tài chính có 6 Luật: Ngân sách nhà nước; Phí, lệ phí; Quản lý sử dụng tài sản công; Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Dự trữ quốc gia.
Bộ Công thương có 1 Luật Điện lực.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 Luật: Khoáng sản, Bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng có 5 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Kiến trúc.
Bộ Giao thông Vận tải có 2 luật: Đường sắt, Hàng không Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 1 Luật Lâm nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông có 1 Luật giao dịch điện tử.
Bộ Tư pháp có 2 Luật: Công chứng, Đấu giá tài sản.
Bộ Nội vụ có 2 Luật: Tổ chức chính quyền địa phương, Tổ chức Chính phủ.
|