Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn; Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Trịnh Huy Quách; Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Trần Đình Nhã; Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Đức Hiền...
Báo cáo với Chủ tịch QH về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005 - 2010, Bí thư tỉnh ủy Long An Trương Văn Tiếp cho biết, giai đoạn 2006 – 2008, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá cao, hơn 13%. Trong 6 tháng đầu năm 2010, kinh tế của tỉnh bước đầu phục hồi, GDP đạt 11,5%. GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 22,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp tăng trưởng bình quân 4,2%/ năm; sản lượng lương thực bình quân 5 năm qua đạt hơn 2 triệu tấn/ năm, vượt so với chỉ tiêu 1,9 triệu tấn/ năm đã đề ra. Công nghiệp – xây dựng phát triển nhanh, khẳng định được vai trò động lực của nền kinh tế địa phương. Thương mại – dịch vụ tăng trưởng bình quân 11,2%/ năm. Long An đang triển khai có hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá cao, bình quân 5 năm 2006 – 2010 tăng 23,6%. Văn hóa xã hội chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Mối quan hệ láng giềng hữu nghị với chính quyền và nhân dân các tỉnh bạn Campuchia được duy trì và phát triển tốt. Công tác phân giới cắm mốc biên giới được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Đến tháng 6.2010, tỉnh đã xây dựng được 23/ 54 cột mốc...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, tăng trưởng kinh tế GDP của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững. Năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của một số sản phẩm hàng hóa còn yếu. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; xây dựng thương hiệu hàng hóa, tiêu thụ nông sản chưa tốt. Thu nhập của người nông dân nhìn chung còn thấp, thiếu ổn định. Ngành nghề sản xuất gia công lắp ráp còn nhiều, chưa thu hút được nhiều ngành sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn thấp...
Về phương hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015, Long An xác định, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 13,5 – 14%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp. Phát triển công nghiệp – xây dựng với tốc độ cao, tạo tiền đề vững chắc để Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Long An kiến nghị Trung ương quan tâm bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình đang triển khai, cụ thể là các công trình giao thông nông thôn; công trình kiên cố hóa trường lớp học; bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 đối với các công trình giao thông nông thôn về trung tâm xã; các tuyến đường giao thông huyết mạch để phát triển KT – XH của tỉnh. Hỗ trợ vốn đầu tư đối với một số công trình như Khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp; tuyến đường từ cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp – đường xuyên Á...
Về tình hình triển khai và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Long An đã chọn 18 tổ chức cơ sở Đảng để thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Mỗi huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chọn từ 2 – 3 tổ chức cơ sở Đảng làm điểm tổ chức đại hội. Đến nay, Long An đã có 865/ 871 tổ chức cơ sở Đảng đã tiến hành Đại hội. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng cấp trên cơ sở được triển khai đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương. Việc chuẩn bị nội dung văn kiện, nhân sự đại hội đã cơ bản hoàn thành đúng theo kế hoạch. Thường trực tỉnh ủy đã bố trí thời gian thông qua nội dung văn kiện và phương án nhân sự đại hội Đảng bộ các huyện, thành phố. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đã được tỉnh ủy cho ý kiến và gửi lấy ý kiến đóng góp của Đại hội Đảng bộ cấp dưới, lấy ý kiến nhân dân. Công tác nhân sự Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh được chuẩn bị kỹ, bảo đảm đúng quy trình gắn với chuẩn bị nhân sự chủ chốt Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH Khóa XIII đơn vị tỉnh Long An nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Đoàn Công tác đã trao đổi và đề nghị Long An làm rõ thực trạng việc triển khai chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn; đánh giá cụ thể hơn về những thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 của cả nước là 6,5% theo Nghị quyết của QH. Liên quan đến vốn trái phiếu Chính phủ, Đoàn Công tác đề nghị, Long An phân tích kỹ hơn về tỷ lệ bố trí nguồn vốn này trong cân đối với tỷ lệ đầu tư giữa các ngành; kết quả giải ngân được bao nhiêu? Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét định mức chi thường xuyên cho phát triển. Thực tế định mức này chưa bao quát hết các nguồn vốn như ODA, trái phiếu Chính phủ... Vậy, từ thực tế ở địa phương, Long An có kiến nghị gì về việc xác định định mức nêu trên? Long An là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp của tỉnh đối với phát triển vùng kinh tế này như thế nào? Độ lan tỏa và kết nối giữa Long An và các địa phương trong vùng kinh tế ra sao?...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng vui mừng trước những bước phát triển mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An thời gian qua. Trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế đất nước có nhiều khó khăn, kinh tế Long An tiếp tục vững vàng đi lên với tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao. Tỷ trọng nông – lâm nghiệp giảm từ hơn 42% năm 2005 xuống còn 37,5% năm 2010; công nghiệp – xây dựng tăng từ 27,5% năm 2005 lên 33%... 6 tháng đầu năm 2010, sản xuất công nghiệp có bước phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước...
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý Long An về công tác chuẩn bị Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, các dự thảo Văn kiện và Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới có nhiệm vụ tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, hơn 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT – XH giai đoạn 2001 – 2010; bổ sung phát triển Cương lĩnh năm 1991; xây dựng Chiến lược phát triển KT – XH của đất nước giai đoạn 2011 - 2020. Trong bối cảnh chung như vậy, Long An suy nghĩ gì để địa phương phát triển trong 5 năm, 10 năm tới? Long An đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Vậy, cơ sở nào để Long An xác định mục tiêu này? Trong 5 năm, 10 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ KT – XH như thế nào, có khó khăn, vướng mắc gì không? nếu có khó khăn thì nguyên nhân do đâu, có nguyên nhân nào do cơ chế, chính sách của Trung ương không? Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, tỉnh bảo đảm sự cân đối giữa việc lấy ý kiến đóng góp vào nội dung của các dự thảo Văn kiện và Báo cáo trình Đại hội với công tác nhân sự hay chưa? Nhân sự là vấn đề quan trọng. Nhân sự tạo ra đường lối, nhưng đường lối nào thì nhân sự ấy, không phải cốt đưa ai vào cũng được. Đây là điểm cần tính kỹ.
Long An là mảnh đất kiên cường, có truyền thống đấu tranh cách mạng; nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trưởng thành từ Long An... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng mong muốn, nhân dịp Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ của tỉnh, Long An cần khơi dậy và phát huy mạnh hơn nữa truyền thống của quê hương. Đây là động lực, hành trang để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vươn lên, đạt được mục tiêu là đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
+ Tại Long An, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Công tác đã thăm và làm việc tại xã Đức Lập Hạ, Đức Hòa; thăm và tặng quà hai gia đình vợ Liệt sỹ Ngô Thị Mững và Phan Thị Phê ở Đức Lập Hạ.