Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, qua các cuộc khảo sát thực tế tại một số cơ sở, địa phương trên địa bàn, Đoàn giám sát có được những đánh giá tổng thể về chính sách phát triển miền núi, dân tộc. Bắc Giang có diện tích miền núi tương đối lớn, vừa có đồng bằng, vừa có vùng bán sơn địa, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế; vừa có vùng sản xuất lúa, vừa có vùng sản xuất cây ăn quả; và là điểm trung chuyển hàng hóa, liên kết phát triển cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đang thực hiện việc gìn giữ, bảo tồn các bản sắc văn hóa độc đáo, những năm qua, Bắc Giang đã có bước phát triển lớn về kinh tế - xã hội, nhất là các chỉ tiêu về hạ tầng, y tế, giáo dục. Bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh đã có sự thay đổi cả về lượng và chất. Bắc Giang đã thực hiện việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi và vùng cao tương đối tốt.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, thời gian tới, Bắc Giang cần phân định theo hướng rõ và chính xác hơn các tiêu chí về miền núi, vùng cao, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; có chính sách phù hợp hơn đối với các hộ nghèo. Tăng cường tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi, đặc biệt là gắn chặt chính sách dân tộc với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất ở các vùng miền, sử dụng tốt nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất. Quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo đội ngũ cán bộ ở vùng dân tộc và miền núi...
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, Bắc Giang cần đánh giá cụ thể những ưu điểm cũng như hạn chế của chính sách dân tộc, miền núi. Trên cơ sở đó, nghiên cứu điều chỉnh, áp dụng đúng cho từng vùng, địa bàn, bảo đảm hiệu quả. Việc hỗ trợ hộ dân thiếu đất sản xuất cần linh hoạt bằng hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề, vốn vay; tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn.
Thực hiện chính sách cho vùng dân tộc và miền núi, Bắc Giang phân định có 6 huyện miền núi, 44 xã vùng cao, 188 xã, thị trấn được công nhận là miền núi. Điều này là cơ sở quan trọng để triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với khu vực này. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc ở tỉnh đã giảm, không còn hộ đói. Trong giai đoạn 2011 - 2015, nhiều chính sách của Nhà nước đã được thực hiện trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Bắc Giang với tổng nguồn vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 34,34% tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh còn 188 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, 2.702 hộ thiếu đất sản xuất.