Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại Bắc Giang

24/12/2009

Ngày 23.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã về thăm và làm việc tại Bắc Giang để tìm hiểu tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2010 và công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Tham gia Đoàn công tác có Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận; đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội…

 

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Trọng đã báo cáo với Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm 2009, kinh tế của Bắc Giang tăng trưởng 6,9%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Thu ngân sách và xuất khẩu tăng khá, tổng thu nội địa tăng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng 19% so với năm 2008. Bắc Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010 là tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16 chỉ tiêu kinh tế xã hội.

 

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác cải cách tư pháp của Bắc Giang đã đạt được những kết quả nhất định. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong hoạt động xét xử, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát đã tích cực phối hợp tổ chức các phiên tòa mẫu theo tinh thần cải cách tư pháp; qua đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm tính dân chủ, công khai. Đội ngũ cán bộ tư pháp được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư, điều kiện làm việc từng bước được cải thiện… Tuy nhiên, Tỉnh ủy Bắc Giang cũng nhận thức rõ, việc triển khai, quán triệt Nghị quyết 49 của một số ngành, huyện còn chậm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Số lượng án tồn hàng năm trong thi hành án dân sự có hướng tăng nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc còn hạn chế, kéo dài.

 

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu vấn đề: trong bối cảnh khó khăn do suy thoái kinh tế, Bắc Giang có những bài học kinh nghiệm gì trong chỉ đạo điều hành để đạt được các mục tiêu đã đề ra? Về cải cách tư pháp, so với lộ trình của Trung ương, hiện nay Bắc Giang đạt được kết quả cụ thể như thế nào, có những khó khăn, thách thức gì?

 

Đoàn công tác đã đề nghị Tỉnh ủy Bắc Giang làm rõ một số nội dung: nếu thực hiện mô hình tòa án theo khu vực theo tinh thần cải cách tư pháp thì trong quá trình tổ chức làm thế nào bảo đảm được sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng? Cơ quan thanh tra được thiết kế theo mô hình cơ quan giúp việc nhưng vị trí, chức năng thì lại là cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề này xử lý như thế nào? Số lượng cán bộ tư pháp so với yêu cầu, khối lượng công việc đã bảo đảm chưa? Chất lượng cán bộ tư pháp của tỉnh như thế nào - chất lượng thực chất chứ không phải chất lượng theo bằng cấp? Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thống nhất giữa các ngành, nên làm thế nào cho phù hợp với điều kiện của tỉnh? Có những vướng mắc, trở ngại gì trong thực hiện pháp luật không?...

 

Giải đáp những câu hỏi của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Đoàn công tác, đại diện các cơ quan tư pháp tỉnh cho biết những cái được trong công tác cải cách tư pháp của Bắc Giang là: công tác cải cách tư pháp đã được triển khai đúng tinh thần Nghị quyết 49; quá trình thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp chính quyền, của nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của công tác tư pháp; đội ngũ cán bộ từng bước tăng cường về số lượng và chất lượng; các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và huyện có sự phối hợp chặt chẽ hơn thông qua xây dựng quy chế phối hợp liên ngành; Ban cải cách tư pháp, cấp ủy địa phương có sự chỉ đạo, quan tâm sát sao với hoạt động cải cách tư pháp. Tuy nhiên, mô hình tổ chức của cơ quan tư pháp và cơ quan bổ trợ tư pháp còn bất cập. Chế độ chính sách đãi ngộ với cán bộ tư pháp còn hạn chế. Sau khi khởi tố điều tra, xét xử, thời gian chờ thi hành án quá lâu, có những vụ án đã xét xử mấy năm nhưng vẫn chưa thi hành. Đội ngũ cán bộ tư pháp vừa yếu vừa thiếu. Băn khoăn của Bắc Giang là hiện nay, phần lớn thẩm phán hết nhiệåm kỳ, đang chờ bổ nhiệm lại nhưng thời gian chờ bổ nhiệm thường kéo dài. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều khó khăn vì: nhận thức, sự tuân thủ pháp luật của người dân hạn chế, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa. Đội ngũ phổ biến tuyên truyền pháp luật cơ sở còn mỏng… Bắc Giang đề nghị sớm ban hành đề án về cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; tăng cường biên chế, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, nhất là cán bộ cấp huyện.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Bắc Giang đã đạt được. Là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Bắc Giang đã đạt được những thành tựu phấn khởi. Phát triển kinh tế - xã hội đều đạt được những con số ấn tượng. Năm 2009, tốc độ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ của cả nước nhìn chung còn thấp, nhưng Bắc Giang giải ngân được 93% là một sự cố gắng.

 

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng Bắc Giang đã xác định được cải cách cơ quan toà án là khâu trọng tâm, then chốt của cải cách tư pháp, trên cơ sở đó đổi mới các cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Với những khó khăn, vướng mắc trong thực tế, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu gợi mở, việc bố trí các chức danh tư pháp phải trên tinh thần vì công việc, yêu cầu, nhiệm vụ; phải có kế hoạch để tạo nguồn nhân lực, nếu có điều kiện thì nên tổ chức thi tuyển công khai. Chế độ chính sách đối với cán bộ tư pháp hiện nay còn làm theo kiểu chắp vá, chưa có ngạch lương riêng nên đề nghị ngân sách địa phương có sự hỗ trợ nhất định cho đội ngũ cán bộ tư pháp.

 

Trong thời gian làm việc tại Bắc Giang, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Đoàn công tác đã làm việc với Công an tỉnh; thăm Trường tiểu học thị trấn Vôi, Lạng Giang và thăm các gia đình chính sách...

Hải Vân

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác