Phiên họp thứ Mười bảy của UBTVQH

27/02/2009

* Biểu quyết thông qua việc quyết định chuyển Báo Người đại biểu nhân dân thành Báo Đại biểu nhân dân trực thuộc UBTVQH * Tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ Mười tám của UBTVQH

Chiều 25.2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuyển Báo Người đại biểu nhân dân thành Báo Đại biểu nhân dân trực thuộc UBTVQH và việc tiếp tục tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH.

Trình bày Tờ trình về việc chuyển báo NĐBND thành Báo ĐBND trực thuộc UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn khẳng định: Tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của QH đang đặt ra yêu cầu mới đối với Báo NĐBND; đòi hỏi Báo NĐBND phải thực sự là diễn đàn của QH - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là tiếng nói của ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri cả nước, trực tiếp tuyên truyền phục vụ các hoạt động của QH. Từ Tạp chí trực thuộc VPQH, thời gian qua, NĐBND đã phát triển nhanh chóng, trở thành một tờ nhật báo có uy tín, là tiếng nói của ĐBQH và HĐND nên việc đặt Báo NĐBND dưới sự quản lý của VPQH cũng không phù hợp.

UBTVQH đã thông qua việc quyết định chuyển Báo Người đại biểu nhân dân thành Báo Đại biểu nhân dân trực thuộc UBTVQH. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc nâng cấp và đổi tên báo NĐBND là chủ trương đúng, cần thiết, tuy nhiên đó không phải chỉ đơn giản là sự thay đổi về hình thức hay cơ quan chủ quản mà phải thực sự nâng tầm của tờ báo trở thành cơ quan ngôn luận của QH. Báo trước hết phải tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước ở những vấn đề liên quan đến QH, thông tin, phản ánh hoạt động của QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH, HĐND... ; Phản ánh thực tiễn cuộc sống, việc thực thi pháp luật trong cuộc sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước; Giới thiệu các kinh nghiệm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của nghị viện các nước trên thế giới; Định hướng dư luận, qua đó uốn nắn những nhận thức lệch lạc, phê phán những sai trái, bác bỏ luận điệu của các thế lực thù địch; Đi tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Tiếp đó, UBTVQH đã nghe Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên trình bày Tờ trình về việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ Mười tám của UBTVQH.

Tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XII đã có 362 chất vấn của 133 ĐBQH gửi tới Chính phủ, 21 Bộ trưởng, trưởng ngành nhưng mới chỉ có Thủ tướng Chính phủ và 7 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường. Qua theo dõi của Ban Công tác đại biểu thì đến nay, các Bộ trưởng, trưởng ngành trên vẫn chưa trả lời đầy đủ các chất vấn của ĐBQH, riêng Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 8 của UB Về các vấn đề xã hội. Theo đó, Ban Công tác đại biểu đề nghị UBTVQH xem xét, lựa chọn 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ Mười tám của UBTVQH gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, tập trung vào các vấn đề như hướng đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản, tổ chức thực hiện phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương, giải pháp kích cầu nền kinh tế; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng với các vấn đề như tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, quản lý giá cước vận tải và hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng, quản lý các phương tiện giao thông đường thủy và trách nhiệm của ngành trước tình hình tai nạn ngày càng nghiêm trọng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời chất vấn về tình trạng cán bộ, công chức nhà nước bỏ việc ra ngoài làm cho các thành phần kinh tế khác, chảy máu chất xám sang khu vực tư, nguyên nhân khiến cải cách hành chính quá chậm, lộ trình cải cách chế độ tiền lương và các chính sách xã hội năm 2009 sẽ thực hiện đến đâu… ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn về biện pháp xử lý số lượng lớn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng và hướng khắc phục tình trạng oan sai của người dân…

Cơ bản tán thành đề nghị của Ban Công tác đại biểu, các ủy viên UBTVQH thống nhất: tại Phiên họp thứ Mười tám, UBTVQH sẽ dành trọn 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH vẫn băn khoăn về nội dung chất vấn đối với từng Bộ trưởng. Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, việc tổ chức để ĐBQH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ tại Phiên họp của UBTVQH là cần thiết, đây cũng là quyền của ĐBQH nếu chưa nhận được giải trình thỏa đáng của các cơ quan chức năng khi chất vấn tại Kỳ họp của QH. Nhưng những vấn đề được nêu trong Tờ trình thực chất khó có thể gọi là chất vấn, ví dụ ĐBQH chất vấn hướng đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản thì ông Bộ trưởng biết trả lời như thế nào? Tán thành quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tổng hợp các chất vấn của ĐBQH để chọn đúng và trúng những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải có sự giải trình của các cơ quan chức năng. Nhiều Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, thời gian tới, cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn những vấn đề nào sẽ được chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH và cần tích cực phát huy vai trò của các UB chuyên môn trong việc lựa chọn vấn đề chất vấn, không nhất thiết cứ phải căn cứ vào số lượng ĐBQH chất vấn nhiều mới đưa ra chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH.

 

P.Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác