Giới thiệu một số vấn đề của dự án Luật, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Chu Xuân Minh – đại biện cơ quan soạn thảo, cho biết, hòa giải đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông và hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các sự mâu thuẫn trong tương lai. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Sau khi nghe đại diện cơ quan soạn thảo giới thiệu một số nội dung về vấn đề lồng ghép giới trong Dự luật, các đại biểu tham dự đã thảo luận về các vấn đề như: tính khả thi của một số quy định về giới, làm thế nào để đổi thoại tốt các vấn đề về hôn nhân gia đình, quyền lợi của người phụ nữ sẽ được đảm bảo ra sao…
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật xác định một trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đảm bảo lồng ghép giới trong những văn bản quy phạm pháp luật.
Về cơ bản quy định của dự thảo được thiết kế một cách “trung tính”, đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới, không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ.
Đồng thời cơ quan soạn thảo cũng xác định việc lồng ghép giới sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định của Dự án luật với các quy định pháp luật hiện hành về bình đẳng giới, pháp luật khác có liên quan.
Một số đại biểu đề nghị cần quy định một số tiêu chuẩn đối với Hòa giải viên, Đối thoại viên nhất là những người thực hiện hòa giải, đối thoại các vụ việc có đương sự là trẻ em, người chưa thành niên hoặc các vụ việc về hôn nhân gia đình.
Đại biểu chỉ rõ, trong nhiều vụ việc, đứng từ góc độ nhạy cảm giới thì người phụ nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn đối với các vụ việc về hôn nhân gia đình; ban soạn thảo cần đánh giá rõ về tính khả thi của việc lồng ghép giới trên cơ sở thực tiễn ở Việt Nam trong Dự luật này.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phải rà soát toàn bộ nội dung Dự luật, đảm bảo việc lồng ghép giới được thực chất, đem lại hiệu quả trên thực tế chứ ko chỉ là những quy định trên giấy.