Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham dự tọa đàm có đại diện thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các chuyên gia y tế, giáo dục về vấn đề tự kỷ, đại diện phụ huynh có con bị tự kỷ và nhà tài trợ Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, sự thiếu hụt rõ rệt các chức năng khiến cho người mắc rối loạn tự kỷ trở thành người khuyết tật trong cộng đồng, suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống, suy giảm nguồn nhân lực lao động và là gánh nặng của cả gia đình và xã hội. Các hoạt động can thiệp, hỗ trợ giúp trẻ tự kỷ phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng là cần thiết và quan trọng. Do đó, tọa đàm được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ; thực hiện mục tiêu góp phần xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trình bày dự án
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã nghe đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trình bày dự án “ Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”. Dự án tập trung vào 05 mục tiêu cơ bản sau: biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; thông qua kết quả phổ biến kiến thức với khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng. Dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam có tác động tích cực đến việc hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, phương pháp làm việc với trẻ tự kỷ.
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm các rối loạn phát triển thần kinh, hình thành sớm trong não bộ, gây khó khăn và khiếm khuyết trong hai lĩnh vực chính là giao tiếp trong xã hội và hành vi, sở thích định hình lặp lại.Rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biến với tỷ lệ chuẩn đoán ở trẻ em tăng lên qua từng năm và tất cả các nước khu vực và trên thế giới. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ tự kỷ trong cộng đồng dao động từ 0,5% đến 1%, đồng nghĩa với việc cứ khoảng 100 trẻ em sinh ra thì có 1 trẻ mắc rối loạn này. Với bản chất là khiếm khuyết trong tương tác xã hội và rối loạn về cảm giác, trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ việc học nói cho đến giao tiếp, ứng xử, điều chỉnh và thể hiện cảm xúc, học tập cho đến cuộc sống độc lập và công việc khi đã lớn lên. Những khó khăn này ở trẻ tự kỷ cũng gây khá nhiều khó khăn và stress cho gia đình trẻ, đặc biệt là những người chăm sóc trực tiếp. Vì vậy, rõ ràng khi hỗ trợ trẻ tự kỷ, gia đình không thể đứng ngoài cuộc và cũng không thể bỏ gia đình ra ngoài bất cứ mô hình hỗ trợ nào.
Đại diện Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận phát biểu
Tuy nhiên một số đại biểu đưa ra quan điểm, hiện nay ở Việt Nam, nhận thức của xã hội và gia đình về rối loạn tự kỷ vẫn chưa chuẩn, dẫn đến nhiều trẻ tự kỷ vẫn chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức; việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chưa được hiệu quả. Vẫn còn tồn tại một thức tế là không ít phụ huynh giấu giếm tình trạng của con khi xin đi học vì sợ bị phân biệt đối xử, hoặc thậm chí đến tuổi mẫu giáo cũng không biết là con mình bị tự kỷ; một số cơ sở giáo dục không muốn tiếp nhận trẻ tự kỷ do ngại áp lực từ những phụ huynh khác…
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ là việc làm hết sức cần thiết, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Các dự án liên quan đến hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ luôn nhận được sự quan tâm, phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản, nhà tài trợ, cơ quan quản lý nhà nước và gia đình các trẻ em tự kỷ. Tham gia chương trình dự án có rất nhiều em tiến bộ nhanh về nhận thức, hành vi xã hội, vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ. Các em vui vẻ, hoạt bát, nhanh nhẹn, thậm chí còn là những người trợ giúp đắc lực cho các cô giáo trong việc hỗ trợ những bạn khác kém may mắn hơn mình; gia đình, bố mẹ vui vẻ, tràn đầy hi vọng về tương lai tươi sáng hơn của con em mình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc đối với những phụ huynh có con em bị bị rối loạn tự kỷ; cảm ơn ý kiến đóng góp, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, góp thêm tiếng nói để chuyển biến nhận thức về trẻ em tự kỷ, tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em tự kỷ được học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị cơ quan chủ quản tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời đối ứng với kinh phí nhà tài trợ để thực hiện một số hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ; cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu chính sách để có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh nhóm đối tượng này./.