BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT ĐỂ PHỤ NỮ NÔNG THÔN KHÔNG BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI

03/04/2018

Sáng 3/4, tham dự buổi tọa đàm về "lồng ghép giới trong Dự thảo Luật Trồng trọt" tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần có nhiều biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực trồng trọt để phụ nữ nông thôn có điều kiện phát triển hơn nữa trong tiến trình đổi mới...

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường trình bày báo cáo

Báo cáo tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Như Cường cho biết, Dự thảo Luật Trồng trọt được xây dựng gồm 7 Chương, 82 Điều, điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt theo chuỗi từ quản lý về giống cây trồng, phân bón đến các quy định về canh tác trồng trọt và bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng từ sản phẩm trồng trọt.

Tiếp tục ghi nhận và bảo vệ các quyền bình đẳng giới trong các hoạt động trồng trọt, Dự thảo Luật trồng trọt xây dựng đảm bảo lồng ghép giới trong các nội dung: về đối tượng áp dụng; nguyên tắc, chính sách phát triển trồng trọt bền vững; các hành vi bị cấm; quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng; điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; các quy định về canh tác…

Các đại biểu phát biểu ý kiến

Thảo luận tại tọa đàm, một số đại biểu cho rằng, từ bức tranh chung của vị thế về giới trong gia đình có thể thấy, phụ nữ trong khu vực nông thôn chưa bình đẳng với nam về sở hữu đất đai, tư liệu sản xuất đối với trồng trọt; bị hạn chế tiếp cận giáo dục đào tạo về kỹ thuật canh tác mới, giống cây, phân bón thế hệ mới; chịu sự bất bình đẳng trong nhận thức đánh giá về hiệu qủa công việc; chưa bình đẳng với nam giới về thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần… Từ những nhận định trên, các đại biểu nhấn mạnh vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo Luật Trồng trọt là vấn đề rất quan trọng.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Đưa ra giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ, thu hẹp dần khoảng cách giữa nam và nữ trong phát triển trồng trọt, các đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật có cơ chế, chính sách để phụ nữ nông thôn tham gia vào chuỗi giá trị trồng trọt phù hợp với đặc điểm của từng địa phương nhằm đảm bảo nông dân ly nông nhưng không ly hương; đưa tiếng nói của phụ nữ tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp để đảm bảo họ không bị “ đứng ngoài cuộc chơi”; đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn vốn, các chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, đối với vấn đề chính sách đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh thì Dự thảo Luật cần quy định sự ưu tiên đối với phụ nữ nông thôn nói chung, đặc biệt là các vùng thường xuyên xảy ra thiên tại, dịch bệnh nói riêng; đồng thời hỗ trợ phụ nữ nông thôn làm quen và tham gia vào các hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường; làm quen với các dịch vụ công, tăng cường tư vấn pháp luật để chủ động, tự tin đàm phán, quyết định giá trị sản phẩm trồng trọt của mình./.              

Hồ Hương