THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ Y TẾ: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HỒ SƠ, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

11/01/2022

Sáng ngày 11/01, tại Trụ sở các Cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Y tế về tiến độ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tiến độ xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật năm 2022 – 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành hữu quan.

Tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ Dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Báo cáo về tiến độ xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tiến hành hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành 11 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Theo đó, bổ sung đánh giá tình hình thực hiện Luật và các khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2019-2021, đặc biệt là các nội dung liên quan đến dịch COVID-19 như: vấn đề điều động nhân lực; vấn đề giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa; vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh… Đánh giá về tình hình thực hiện thí điểm mô hình bác sỹ gia đình; về tình hình quy định liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế nhà nước với cơ sở y tế tư nhân. Đồng thời, cập nhật nội dung đánh giá về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; về bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với báo cáo đánh giá tác động, Bộ Y tế đã cập nhật đánh giá tác động đối với quy định bỏ cấp phép hành nghề đối với chức danh y sỹ và nhóm chức danh phải cấp phép hành nghề; Đánh giá tác động đối với quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; Đánh giá tác động đối với quy định kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề; Đánh giá tác động đối với quy định về phân tuyến và hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đánh giá tác động đối với quy định về sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ dưới 72 tháng tuổi; Đánh giá tác động đối với quy định về bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đại diện Bộ Y tế trình bày báo cáo tại phiên họp

Đối với Tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Y tế đã chuyển sang mẫu Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật và chỉnh lý nội dung theo hướng làm rõ hơn quan điểm "Lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua các giải pháp nhằm nâng cao quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, Bộ đã giải trình về phạm vi của dự án Luật liên quan đến vấn đề phân định rõ giữa công tác khám bệnh, chữa bệnh và y tế dự phòng theo hướng Dự án Luật này sẽ chỉ quy định về vấn đề khám bệnh, chữa bệnh và các nội dung liên quan đến dự phòng bao gồm: nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần), phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân sẽ được quy định trong Luật phòng bệnh. Bên cạnh đó, việc có cho phép sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có tính chất dự phòng như tầm soát ung thư sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật bảo hiểm y tế.

Theo Tờ trình, có 15 chính sách để thực hiện mục tiêu xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm: quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh; sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài để hành nghề tại Việt Nam; thời hạn của giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh; phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề; mở rộng các hình thức cơ sở khám, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động; bắt buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải có kết nối với hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh; đánh giá chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh; phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động; khám, chữa bệnh từ xa; đổi mới quy định về phân tuyến, phân cấp của hệ thống khám, chữa bệnh; khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và tình trạng khẩn cấp; an ninh bệnh viện, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề y; thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh; sử dụng sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em từ không đến 72 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, ngoài Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật năm 2022 – 2023 như: Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Dự án Luật Dân số; Các dự án Luật thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, 15 chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật chưa thể hiện rõ nét các quan điểm của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, cũng như các yêu cầu mới đặt ra với lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 vẫn đang có xu hướng diễn biến phức tạp.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho ý kiến tại phiên họp

Xác định đây là Dự án luật quan trọng, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành; đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để bảo đảm các chính sách được đề xuất đúng, trúng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mục tiêu sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhấn mạnh, Luật sửa đổi phải bám sát mục tiêu luật hóa các thể chế, phải lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ để có thể huy động sự tham gia tích cực của các ngành nghề; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; làm rõ các quy định cải thiện, nâng cấp chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; đầu tư nguồn nhân lực y tế cơ sở đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tham khảo ý kiến chuyên gia, Bộ, ngành liên quan để dự án Luật có căn cứ chính trị, căn cứ thực tiễn vững chắc, đưa ra những đề xuất xác đáng, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra./.

Hồ Hương

Các bài viết khác