ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA CÁC BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ

01/10/2021

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ hai với hình thức trực tuyến, sáng 01/10, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp còn có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành hữu quan.

Đánh giá nội dung thẩm tra tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế đã được ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng hợp lý, hiệu quả Quỹ BHYT. Trong năm 2020, các văn bản ban hành tập trung khắc phục những vướng mắc trong thanh toán, mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa dược; giá dịch vụ kỹ thuật y tế; đồng thời ban hành văn bản tăng cường trong công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, qua giám sát, Thường trực Ủy ban nhận thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT vẫn còn một số tồn tại từ nhiều năm trước, cụ thể: Còn tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất với Luật; chưa ban hành đầy đủ quy định về chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn điều trị và gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả một cách toàn diện theo quy định của Luật BHYT để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi quỹ BHYT; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện toàn diện cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khám chữa bệnh BHYT và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Phiên họp

Ủy ban Xã hội cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành về BHYT. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68/2013/QH13 đều đã và đang được Chính phủ tích cực đưa ra những giải pháp để thực hiện, nhiều hợp phần chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Có 07 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt được, đó là: Đến năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt kết quả là 90,85%, đạt mục tiêu Nghị quyết 68 của Quốc hội đề ra trước thời hạn 4 năm và đến hết tháng 7/2021, cả nước đã có 88,1 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 90,3%; Các biện pháp để bảo đảm thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp đã được thực hiện, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương; Các quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật đã được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu quản lý cũng như phần nào đáp ứng được yêu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân; Công tác chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh được quan tâm, cùng với việc xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh và BHYT; Việc đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin đã đẩy nhanh tốc độ liên thông hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh, góp phần tăng cường năng lực và chất lượng giám định BHYT; Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội đã phát huy được vai trò và trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; Về cơ bản các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương đã giảm được tình trạng quá tải theo yêu cầu của Nghị quyết 68.

Tuy nhiên vẫn còn 03 chỉ tiêu, mục tiêu chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68/2013/QH13, đó là: Hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn vào năm 2020; Đến năm 2020, hoàn thoành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; Việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội mới chỉ thực hiện được một phần mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Thay mặt Thường trực Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai đưa ra ý kiến thẩm tra

Thảo luận tại Phiên họp, thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng, tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT tăng 2,35% so với năm 2019; tỷ lệ bao phủ BHYT tăng 1,55% so với năm 2019 và vượt 0,15% so với chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT do Quốc hội giao năm 2020 tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình đạt tỷ lệ 76,5%. Tuy nhiên, theo các đại biểu, mặc dù tỷ lệ tham gia BHYT tăng nhưng chưa bền vững, số đối tượng ở nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng giảm do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế cũng như từ dịch COVID-19; các nhóm đối tượng tham gia BHYT chưa đồng đều, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Hiện còn khoảng gần 10% dân số còn lại chưa tham gia BHYT chủ yếu rơi vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhưng chưa có biện pháp và giải pháp cụ thể, nhất là khi người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Cho ý kiến về công tác triển khai khám chữa bệnh BHYT, một số đại biểu cho biết, hiện có hơn 10.000 cơ sở khám chữa bệnh là trạm y tế xã và tương đương, phòng khám đa khoa khu vực thực hiện khám chữa bệnh BHYT thông qua hợp đồng khám chữa bệnh BHYT của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện; hệ thống y tế cơ sở đã được quan tâm đầu tư nâng cao hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt đã phát huy vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên cũng như năm 2019, tỷ lệ chi khám chữa bệnh BHYT ở các tuyến vẫn còn mất cân đối.

Bên cạnh đó, qua khảo sát, một số đại biểu nêu rõ, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ định biên ở một số địa phương chưa cao, nguồn nhân lực chưa được phân bổ đồng đều giữa các tuyến, chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo nhu cầu của người dân, tỷ lệ lượt khám chữa bệnh tại tuyến xã vẫn chiếm tỷ lệ thấp (17%). Nếu chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở không được cải thiện sẽ tạo sự chênh lệch lớn về tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT giữa các tuyến, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi khi chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú BHYT có hiệu lực. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh BHYT tại một số tỉnh  còn thiếu đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được bảo mật giữ liệu, yêu cầu quản lý dữ liệu thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Vẫn xảy ra tình trạng thông tin của người có thẻ BHYT trên phần mềm không khớp với thẻ BHYT, chậm cập nhật việc gia hạn thẻ BHYT cho đối tượng tham gia BHYT tự nguyện gây khó khăn cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh.

Các đại biểu thảo luận qua màn hình trực tuyến

Về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020, các đại biểu chỉ ra rằng, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn còn diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ do nhiều nguyên nhân. Đồng thời, việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT được làm chặt chẽ tạo nên hiệu ứng bất lợi khi mà bác sỹ phải “cân não trong kê đơn thuốc”, kê thêm môt số bệnh để đơn thuốc kê cho bệnh nhân không bị vượt quá giới hạn, “chăm sóc bệnh án thay vì chăm sóc người bệnh” hoặc hạn chế kê thuốc BHYT cho bệnh nhân để không bị xuất toán, việc này vô hình trung ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu nhấn mạnh, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để, đặc biệt là trong bối cảnh các bệnh viện chịu áp lực lo “cơm áo gạo tiền” cho cán bộ, công nhân viên khi phải thực hiện cơ chế tự chủ; giá giường bệnh tăng cao  dẫn đến tỷ lệ chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú gia tăng, khó kiểm soát. Giá dịch vụ y tế phải gắn với chất lượng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh chưa quy định; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo phí dịch vụ được áp dụng trong những năm qua tiếp tục bộc lộ những bất cập; các hướng dẫn về xã hội hoá, hợp tác công tư chưa đầy đủ, thiếu chế tài giám sát dẫn đến tình trạng khó quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT từ hình thức này.

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những góp ý tâm huyết, xác đáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Ủy ban.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu và giải trình từ phía Bộ, ngành, Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ vào Phiên họp tháng 10; trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới./.

Hồ Hương- Minh Hùng

Các bài viết khác