ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRẺ EM MỒ CÔI DO ĐẠI DỊCH COVID-19

19/10/2021

Chiều ngày 19/10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng một số cơ quan liên quan về tình hình thực hiện công tác hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch covid-19. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ quan có liên quan.

Báo cáo cụ thể về số trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, ở nước ta, nhiều trẻ em bị mồ côi do cha, mẹ bị tử vong do COVID-19, tập trung nhiều nhất ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang; An Giang). Hiện tại, các em đang sống cùng cha hoặc mẹ hoặc ông, bà hoặc người thân thích khác.

Nhằm hỗ trợ kịp thời cho trẻ em bị mồ côi do COVID-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cụ thể, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 được hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/trẻ, nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; chỉ đạo Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam triển khai hỗ trợ trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/trẻ. Hiện nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố hỗ trợ cho trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 05 triệu đồng/trẻ em) và 124 triệu đồng cho 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 01 triệu đồng/trẻ em).

Đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 bao gồm trẻ em mồ côi do COVID-19. Triển khai thu thập thông tin, nhu cầu của trẻ em mồ côi, người chăm sóc trẻ em để có các biện pháp hỗ trợ. Hiện nay có hàng triệu trẻ em được nhận các phần quà, các thiết bị học trực tuyến, các gói về an sinh xã hội. Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chương trình bảo vệ trẻ em trong tình hình dịch COVID-19.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động chường trình “Nối vòng tay yêu thương” vận động các cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ, đỡ đầu, bảo trợ cho trẻ em mồ côi do COVID-19;  Phối hợp với tập đoàn FTP triển khai hỗ trợ giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do COVID-19 có nhu cầu được học tập tại cơ sở trường nội trú của FPT.

Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc

Qua thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em về sức khỏe thể chất, tinh thần, để lại hậu quả nghiêm trọng nhất là vấn đề sang chấn tâm lý, đặc biệt đối với trẻ em mồ côi do dịch bệnh. Việc học tập của trẻ em bị gián đoạn, phải học trực tuyến, phụ thuộc vào thiết bị, chất lượng mạng, ảnh hưởng tới kết quả học tập. Trẻ mẫu giáo, nhà trẻ trong những gia đình bố mẹ đi làm không có người trông giữ giám sát sẽ không bảo đảm ăn uống, vệ sinh, dễ phát sinh tai nạn thương tích hoặc dễ có nguy cơ bị xâm hại. Những trẻ em con công nhân nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp đang ở nhà thuê mất bố mẹ, mất nguồn nuôi dưỡng cũng phải đối mặt với nguy cơ không có nơi ở, mất an toàn, không học tiếp được vì nhiều lý do... Do đó, việc bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là những em mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh là nhiệm vụ khẩn cấp của Nhà nước, chính quyền, ngành chức năng và của cả xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Để bảo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em mồ côi trong đại dịch được hiệu quả, thiết thực, các đại biểu cho rằng, cần có chính sách lâu dài và toàn diện. Trong đó, Nhà nước phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược ổn định tình hình, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội của đất nước sau đại dịch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã nắm bắt nhanh và có những chính sách hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19 rất kịp thời. Tuy nhiên, đề nghị Bộ rà soát lại số liệu trẻ mồ côi trong báo cáo, tránh bỏ lọt trường hợp các em mồ côi mà chưa được công nhận. Nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng đặc biệt trong một bối cách dịch bệnh đặc biệt như hiện nay, Nhà nước cần có những chính sách đặc biệt: ưu tiên tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em mồ côi, trẻ em trong các vùng có nguy cơ dịch bệnh; hỗ trợ việc tiếp tục học tập; miễn học phí; cấp sách giáo khoa; bố trí nhân viên trị liệu tâm lý hỗ trợ trẻ em…

Đồng thời, Nhà nước cần nhanh chóng hỗ trợ trẻ em để lựa chọn mô hình chăm sóc thay thế phù hợp, theo đó: ưu tiên môi trường gia đình, nếu còn người thân thích, người thân có thiện chí, có hoàn cảnh kinh tế tốt, đảm bảo cho trẻ em một mái ấm. Có hình thức theo dõi thường xuyên cuộc sống của trẻ, nếu trong gia đình thay thế không bảo đảm phải có biện pháp chuyển đổi phù hợp; đưa trẻ vào các cơ sở bảo trợ xã hội (trong trường hợp không thể tìm được gia đình thay thế cho trẻ).

Về lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em tại các cơ sở chăm sóc tập trung. Cụ thể, kiện toàn, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở chăm sóc tập trung (hiện nay có một số nơi đang xuống cấp); cần có giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng chăm sóc trẻ, đặc biệt là chăm sóc, tư vấn tâm lý cho trẻ em đối với nhân viên công tác tại trung tâm; tăng cường huy động sự tham gia của cá nhân, tổ chức, toàn xã hội hỗ trợ trẻ em như: xây dựng trung tâm chăm sóc trẻ, trường học nội trú, đón các cháu về học tập trung; xây dựng quy chế phối hợp giữa trung tâm chăm sóc trẻ em tập trung và cơ sở giáo dục địa phương nhằm quan tâm đến việc học tập và diễn biến tâm lý của các cháu ở trường. Bên cạnh đó, rà soát chính sách, pháp luật cần điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào công tác trợ giúp trẻ em mồ côi, cũng như chính sách ưu tiên cho trẻ mồ côi, báo cáo Ủy ban để tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp với nhu cầu của trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan và các tỉnh, thành phố kịp thời rà soát, cập nhật số lượng, danh sách, phân loại hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch COVID-19, nguyện vọng của trẻ và người giám hộ của trẻ để có biện pháp trợ giúp phù hợp. Bên cạnh đó, song song với các biện pháp khẩn cấp, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cần rà soát tổng thể chính sách đối với trẻ em mồ côi, tham mưu Chính phủ ban hành Chính sách đặc thù đối với trẻ em mồ côi do đại dịch, đề xuất các chính sách khuyến khích sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng giúp các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực, giải pháp khác nhau./.

Thu Phương – Minh Thành