Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại biểu tại buổi làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Ảnh: Nhật Linh
Báo cáo cho thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch. Một số nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch năm 2021 phải tạm dừng, thay đổi. Hiện Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách quốc tế. Khách du lịch nội địa 7 tháng sụt giảm mạnh ở tất cả các địa phương, chỉ đạt 31 triệu lượt khách, trong đó có 16,1 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đạt 136.300 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2020. Qua 4 đợt dịch, các doanh nghiệp du lịch đã rơi vào tình trạng rất khó khăn để duy trì điều kiện hoạt động tối thiểu.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới còn hết sức phức tạp nên việc kinh doanh lữ hành quốc tế trước mắt chưa thực hiện được, hoạt động của doanh nghiệp du lịch nhìn chung cầm chừng, rất khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vừa và nhỏ khó khôi phục do thiếu vốn để thực hiện được chính sách ưu đãi, giảm giá mạnh và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong ngành du lịch cũng đang dần mất đi, chuyển sang các ngành nghề khác. Các chuyên gia dự báo, ngành du lịch cần ít nhất 5 năm để phục hồi.
Lĩnh vực văn hóa và thể dục thể thao cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật bị đóng băng. Trong 4 lần dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, hầu hết các sự kiện thể thao thành tích cao đều phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh. Đặc biệt, việc dừng tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chuyên môn của các đội bóng, cũng như gây khó khăn cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp (hầu như không có nguồn thu trong khi vẫn phải chi trả lương cho huấn luyện viên, cầu thủ).
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tiếp không triển khai được mà phải thông qua hình thức trực tuyến. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến kết quả tuyển sinh những tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 36,8% kế hoạch. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online)…
Công tác bảo vệ trẻ em cũng đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh dịch Covid-19. Ở đợt lây nhiễm lần thứ 4, theo thống kê đến hết ngày 9.7.2021, số trẻ em mắc Covid-19 là 1.542 em, chiếm 7% số ca nhiễm cả nước; 4.809 trẻ bị cách ly tập trung, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất.
Để giảm thiểu tác động của đại dịch, các đơn vị đề nghị xem xét cho giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2022 cho hoạt động kinh doanh du lịch; bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch vay một số khoản vay với lãi suất ưu đãi; miễn, giảm phí dịch vụ neo đậu tại cảng bến, phí, lệ phí vào, rời bến đến hết năm 2022 cho các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch... UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ em bị nhiễm Covid-19 tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trước các nguy cơ do đại dịch tác động đến trẻ em, đặc biệt là bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các khu cách ly tập trung và tại gia đình…
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ với những khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành; đồng thời ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị nhằm hoàn thành mục tiêu của năm. Thường trực Ủy ban cơ bản đồng tình với nhiều nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021; thống nhất với phương hướng, nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trẻ em, văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022; cho rằng việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu gắn với các kịch bản cụ thể là sự linh hoạt cần thiết.
Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch; nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tài chính để thực sự giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động; đồng thời, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, tham mưu, đề xuất kịp thời các giải pháp để du lịch có thể thích ứng, phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.
Với công tác trẻ em, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hậu quả để lại lâu dài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu kỹ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát với tình hình, điều kiện và nhóm đối tượng để bảo đảm tính khả thi. Đối với giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương thức tuyển sinh, đào tạo, tổ chức quản lý đào tạo; triển khai Khung trình độ quốc gia đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp với chuẩn đầu ra bảo đảm tính tương thích và liên thông giữa các trình độ ở trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong đào tạo, thực hiện lộ trình phổ cập kỹ năng số, xóa mù về công nghệ, tri thức công nghệ cho người lao động; gắn đào tạo giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động…