Trước thềm Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa đã có cuộc trao đổi với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị, chủ đề và các nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị lần này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Hội nghị AIPA-ECC là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, gắn hợp tác nghị viện với Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Xin đại biểu cho biết vì sao Quốc hội Việt Nam lại đề xuất sáng kiến này? Vì sao lại lựa chọn chủ đề văn hoá và giáo dục cho hội nghị lần này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa: Với sự phát triển chung của thế giới, hiện nay tình hình tại các quốc gia trên thế giới đã thay đổi. Cách đây 05 năm, vào tháng 9/2015, Liên Hợp Quốc đã đưa ra Nghị quyết thay thế cho các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đó chính là mục tiêu phát triển bền vững.
Với nội dung này, Nghị quyết đã đưa ra 17 mục tiêu và trong đó Việt Nam phải thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết nêu ra. Vì thế, năm 2020, Việt Nam tổ chức Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”, gọi tắt là AIPA-ECC. Ngoài Hội nghị thường niên mà các nước ASEAN và Hội nghị AIPA CODD về phòng, chống tệ nạn ma túy, chúng ta cũng cần có hội nghị thường niên, với yêu cầu phát triển bền vững của các nước trong khu vực, trong đó xem xét sự hợp tác của các nghị viện trong khối ASEAN. Vì vậy, cần có một hội nghị bàn về sự phát triển bền vững, phát triển con người. Phát triển con người có 02 yếu tố rất quan trọng đó là giáo dục và văn hóa. Nội dung này đã được Liên Hợp quốc đưa ra, cũng chính là mục tiêu thứ 4, trong 17 mục tiêu.
Chúng tôi hy vọng, với nội dung này sẽ tạo được sự đồng thuận của các nước trong khối ASEAN. Bởi, các cuộc họp thường niên về những vấn đề quan trọng, trong đó muốn xã hội phát triển bền vững thì cần yếu tố con người có tri thức, có văn hóa. Sự hợp tác trong khu vực ASEAN nói riêng và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới nói chung thì cần có sự thống nhất với nhau.
Phóng viên: Thưa bà, chủ đề chính và mục tiêu của Hội nghị lần này là gì?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa: 02 nội dung là giáo dục và văn hóa thì Hội nghị sẽ thảo luận các nội dung hợp tác của các nghị viện trong khối ASEAN và đề xuất hợp tác về văn hóa, giáo dục với chủ đề “Vì sự phát triển bền vững”
Trước đó, năm 2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đưa ra nhận định, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ phát triển cho nên suy nghĩ và cách làm cũng có nhiều thay đổi và phải đối mặt. Điển hình là đại dịch Covid 19 xảy ra đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương thức học tập, cách học truyền thống chuyển sang áp dụng các hình thức học từ xa, học trực tuyến trở nên phổ biến hơn; việc liên thông với các nước ASEAN như thế nào… Vì vậy, vấn đề đặt ra là việc ứng xử với những thay đổi như thế nào cho phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Đặc biệt, về giáo dục, chúng ta cần quan tâm đến các nội dung như học từ xa, học trực tuyến, học liên thông. Còn về lĩnh vực văn hóa thì có nhiều nội dung cần quan tâm, nhưng Hội nghị sẽ tập trung vào nội dung được các nước quan tâm đó là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hành lang pháp lý của mỗi quốc gia khác nhau, cần có tiếng nói chung để văn hóa của mỗi quốc gia được bảo tồn và phát huy nhưng có sự chia sẻ liên thông, tạo lập bản đồ di sản trong khu vực. Hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo và thống nhất hành lang pháp lý để bảo tồn và phát huy các di sản của các nước trong khu vực tốt hơn và phát huy hơn trong khu vực ASEAN.
Phóng viên: Mỗi nghị viện và AIPA đóng vai trò như thế nào trong việc hiện thực hoá các mục tiêu này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa: Đối với mỗi một quốc gia thì Quốc hội đều đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế chủ trương, đường lối của Quốc gia, tạo ra những hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để thực hiện. Từ những việc đó, Quốc hội phải có sự giám sát, thúc đẩy nhanh hơn việc tổ chức thực hiện ở mỗi quốc gia. Đồng thời, Quốc hội cũng thực hiện chức năng là quyết định những vấn đề quan trọng.
Cụ thể, ở mỗi quốc gia mối quan tâm về vấn đề giáo dục, văn hóa có thể khác nhau nhưng chúng ta phải đưa ra được hành lang pháp lý chung, cơ chế pháp lý chung và nguồn lực giành cho giáo dục, văn hóa. Như ở Việt Nam, chúng ta coi khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là quốc sách và văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì việc phát triển con người trong giai đoạn mới cần có sự ưu tiên, đầu tư và có những quyết sách lớn cho vấn đề này. Nếu những nội dung này thống nhất được ở Nghị viện các nước trong khối ASEAN thì sự thúc đẩy phát triển, học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia sẽ được thực hiện tốt hơn.
Phóng viên: Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có sự chuẩn bị như thế nào cho Hội nghị này, thưa bà?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa: Ngay từ đầu năm 2020 khi mà đề xuất có hội nghị này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã rất chủ động trong phương pháp tổ chức. Đề xuất ban đầu của Ủy ban là tổ chức tại Cần Thơ. Với đề xuất này, Ủy ban đã vào trong đó để chuẩn bị chu đáo các nội dung. Tuy nhiên, theo dõi diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Ủy ban cũng tiếp tục đề xuất phương án 2 là tổ chức bằng phương thức trực tuyến. Khi tổ chức bằng phương thức này thì có nhiều nội dung phải chuẩn bị kỹ hơn so với hội nghị tổ chức bằng phương thức trực tiếp, bởi vì cần phải xin ý kiến, thảo luận rất nhiều lần từ nội dung, phương pháp, dự thảo nghị quyết với các nước.
Đồng thời, trong Tiểu ban Nội dung, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng được giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung cho hội nghị, do đó, việc chuẩn bị nội dung về lĩnh vực giáo dục, văn hóa; các bài tham luận của các tổ chức quốc tế. Ủy ban đã nhiều lần tham vấn các chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài, một số tổ chức quốc tế. Khi tham vấn những nội dung này, Ủy ban đã nhận được sự nhiệt tình, quan tâm, chu đáo của các tổ chức, cá nhân. Họ đều cho rằng Hội nghị được tổ chức thành công sẽ là một bước tiến, chuyển biến đặc biệt của AIPA. Bởi vì đối với những nội dung này sẽ thể hiện được tinh thần hợp tác, chia sẻ ở khu vực và trên thế giới đối với những vấn đề ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới như giáo dục, văn hóa, lao động.
Ủy ban cũng xác định rõ việc tham mưu cho lãnh đạo Quốc hội về lĩnh vực nội dung này, Thường trực Ủy ban đã giành một sự quan tâm đặc biệt. Nếu không tổ chức được trực tiếp thì phải tổ chức trực tuyến Hội nghị. Với sự chuẩn bị công phu và chu đáo, Hội nghị được tổ chức thành công sẽ là bước phát triển với những đóng góp đáng kể của Việt Nam vào Hội nghị AIPA của khu vực, thúc đẩy sự phát triển, trong đó quan tâm lớn đến phát triển con người, phát triển bền vững với 17 mục tiêu được Liên Hợp quốc đưa ra- mục tiêu chung mà các nước ASEAN hướng tới. Với mục tiêu này thì mỗi giai đoạn sẽ có những tiến trình khác nhau, chúng ta phải có nhận thức, tư duy, phương pháp, cách làm làm đổi mới, chuyển biến trong các cấp lãnh đạo cũng như cách thức thực hiện. Và đổi mới trong cơ chế chính sách, đổi mới trong phương pháp hoạt động của Quốc hội là một trong những mục tiêu mà Hội nghị AIPA lần này chúng ta hướng đến.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!