Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc
Chiều 22/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, và Ngân hàng Thế giới về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Phó Trưởng Đoàn giám sát Ngô Thị Minh chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã cùng Bộ GD - ĐT xây dựng và thực hiện một số đề án, dự án, chương trình đầu tư để bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo cấp bách, quan trọng, chủ yếu là hỗ trợ phát triển giáo dục tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông. Trong giai đoạn 2015 - 2020, vốn chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương cho phát triển GD - ĐT đạt khoảng 34.802,9 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho giáo dục phổ thông đạt 8.926,481 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,6% tổng số vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho GD - ĐT.
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh cho biết, nhu cầu kiên cố hóa trường lớp học cho các cấp học giai đoạn sau 2020 còn khoảng 90.000 phòng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư để hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong đó ưu tiên việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường lớp học, xóa tình trạng phòng học tạm, phòng học xuống cấp tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ tại buổi làm việc
Theo Bộ Tài chính, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên phân bổ kinh phí cho lĩnh vực giáo dục để nnag cao chất lượng dạy học nói chung và thực hiện nhiệm vụ đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông nói riêng. Với giáo dục phổ thông, định mức chi thường xuyên theo nghị quyết của UBTVQH và quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định phân bổ chung cho sự nghiệp giáo dục bao gồm giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tùy theo tình hình thực tế ở từng địa phương, các tỉnh quy định định mức chi thường xuyên.
Trưởng nhóm Giáo dục, Ngân hàng Thế giới Dilip Parajuli trình bày về dự án Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) vốn vay Ngân hàng Thế giới
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, trong hơn 3 năm vừa qua, dự án Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) đã hỗ trợ xây dựng thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và hơn 30 chương trình các môn học bắt buộc và tự chọn, trong đó có cả chương trình giảng dạy 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang được lấy ý kiến... Dù được hoàn thành trong một thời gian ngắn với khối lượng lớn, các chương trình đã thể hiện được tính hiện đại trong cách tiếp cận phát triển năng lực, chọn được các năng lực quan trọng của người lao động, kỹ năng tiên tiến của công dân toàn cầu trong thế kỷ XXI, đồng thời bảo đảm được tính liên thông của toàn bộ chương trình từ thấp đến cao, và xuyên suốt các môn học.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh ghi nhận sự vào cuộc của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới đồng hành với Bộ GD - ĐT để thực hiện đổi mới CT, SGK. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về việc có đủ SGK cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; cơ sở vật chất, phòng học kiên cố đáp ứng học sinh học 2 buổi/ ngày, nhất là ở các vùng điều kiện kinh tế khó khăn; tiến độ cũng như hiệu quả các dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, về giá sách giáo khoa...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho rằng: Cần rà soát các dự án đầu tư trong giai đoạn vừa qua, đánh giá hiệu quả, tiến độ dự án, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Cần có sự quan tâm đúng mức của các bộ, ngành, địa phương để giải bài toán tổng thể, đặc biệt là vấn đề đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cho các em ở lứa tuổi tiểu học, trong đó đặc biệt quan tâm tới con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ khuyết tật./.