ỦY BAN VĂN HÓA LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NSNN NĂM 2019 & DỰ TOÁN NĂM 2020

24/09/2019

Ngày 23/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với một số Bộ, ngành về thực hiện kế hoạch Ngân sách nhà nước năm 2019 và dự toán Ngân sách nhà nước 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Bộ Tài Chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông.  

Theo Báo cáo của Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), chi đầu tư phát triển trong năm 2019 cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tập trung chủ yếu cho các dự án nâng cao chất lượng giáo dục, phục vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo; các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo điều kiện hoạt động tối thiểu, vốn đối ứng cho các dự án ODA; xây dựng nhà bán trú cho học sinh, công trình vệ sinh nước sạch, nhà công vụ cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên ổn định sinh hoạt, yên tâm công tác, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo. Đối với các cơ sở giáo dục của các bộ ngành chi đầu tư phát triển trong năm 2019 tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở giáo dục, đặc biệt đầu tư nâng cấp trang thiết bị, giảng đường, nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế.

Đại diện các Bộ, ngành báo cáo tại buổi làm việc

Năm 2020, toàn ngành dự kiến tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020; triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020; tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2020-2021; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi); khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Bộ GDĐT đề xuẩt Quốc hội tiếp tục ưu tiên phân bổ NSNN cho lĩnh vực GD&ĐT đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi NSNN theo quy định tại Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 03/12/2004. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KHĐT làm rõ cơ sở tính toán và cách xác định tỷ lệ 20% chi ngân sách cho giáo dục theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11. Bên cạnh đó, Quốc hội có kế hoạch định kỳ giám sát việc phân bổ và thực hiện chi ngân sách cho GD&ĐT tại các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo các địa phương bố trí đủ kinh phí chi ngân sách cho giáo dục đã được Quốc hội quyết định; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, mục tiêu, kế hoạch phát triển GD&ĐT hàng năm.

Theo Báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tính hết tháng 6/2019, dự kiến vốn ODA đã được giao của 2 dự án (Dự án "Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện" và dự án "Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp") sẽ không thực hiện trong năm 2019 do cơ chế tài chính đối với vốn ODA của đã được phê duyệt là cơ chế cấp phát đầu tư phát triển, không phải cơ chế cấp phát hành chính sự nghiệp theo thiết kế ban đầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐTB&XH sẽ triển khai 07 dự án GDNN vốn ODA, nhìn chung các dự án trên thực hiện theo đúng tiến độ và cam kết với Nhà tài trợ. Các dự án đã hoàn thành bao gồm Dự án “Thành lập 05 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc”; Dự án “Chương trình đào tạo nghề 2008”; Dự án “Chương trình đào tạo nghề 2011”; Dự án “Đầu tư phát triển các trường đào tạo nghề chất lượng cao’. Dự án Hàn Quốc được Nhà tài trợ đánh giá là một dự án điển hình thành công trong 60 dự án vay vốn ODA của Hàn Quốc tại Việt Nam. Dự án “Chương trình đào tạo nghề 2011” được Nhà tài trợ đánh giá là dự án đầu tiên hoàn thành đúng thời hạn cam kết.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp, nghiên cứu, đề xuất phát triển các ngành, nghề mới để phục vụ phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp thứ 4 và các ngành, nghề phục vụ nông nghiệp công nghệ cao trong một số nhóm, lĩnh vực đào tạo. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được giao theo quy định tại Khoản 18 Điều 1 Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung bố trí phân bổ đủ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương theo tiêu chí, nguyên tắc và định mức quy định tại Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Đồng thời, dành tối thiểu 10% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách Trung ương để tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Qua nghiên cứu báo cáo của các Bộ, ngành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy, kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm trước của các Bộ, ngành luôn tăng cao hơn so với năm sau với nhiều hoạt động dự kiến thực hiện. Tuy nhiên, đến cuối năm thường vẫn chưa giải ngân xong. Do vậy, đề nghị các bộ, ngành làm rõ vấn đề này trong báo cáo của từng đơn vị.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng báo cáo trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về tình hình thực hiện kế hoạch NSNN năm 2019 và dự toán NSNN 2020.

Đánh giá cao tinh thần của buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, giáo dục, văn hóa, thông tin, là con đường đi đến tương lai, là con đường vô tận. Đây là lúc phải nhìn nhận lại việc đầu tư cho các lĩnh vực này, để chuẩn bị cho thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, trung ương và địa phương về phân bổ, quản lý ngân sách và đánh giá được hiệu quả sử dụng nguồn vốn NSNN... Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho rằng, các ý kiên thảo luận hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu về vấn đề phân bổ ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực để có tham mưu phù hợp trong thời gian tới./.

Thu Phương

Các bài viết khác