THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ THI HÀNH CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

11/09/2019

Sáng ngày 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về thi hành chính sách pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị 

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng, các thành viên Ủy ban; đại diện một số cơ sở giáo dục đại học và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, kiểm định chất lượng giáo dục được coi là một công cụ hữu hiệu giúp đánh giá, công nhận cơ sở đào tạo hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn, đáp ứng các chuẩn mực chất lượng. Ở Việt Nam, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, kiểm định chất lượng giáo dục đại học nói riêng đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục 2005 và được cụ thể hóa hơn trong Luật Giáo dục đại học. Hiện nay, cả nước có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, tính đến thời điểm này đã kiểm định khoảng 55% cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, hoạt động kiểm định, việc thi hành chính sách, pháp luật về kiểm định chất lượng, việc tổ chức, quản lý và giám sát hoạt động kiểm định vẫn còn hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chủ trì Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm trong thi hành chính sách pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học như: quy định pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đại học; công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học; mô hình kiểm định chất lượng giáo dục đại học,…Từ đó, các đại biểu đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp quy về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm định trên thực tiễn.

Cho ý kiến về chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, PGS.TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, về phương diện ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đến nay về cơ bản chúng ta đã từng bước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho việc triển khai công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học một cách ổn dịnh, bền vững, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, do công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học là một hoạt động mới ở nước ta nên chính sách, pháp luật về lĩnh vực này không tránh khỏi còn nhiều yếu kém, bất cập cả về phương diện xây dựng văn bản pháp quy, ban hành cơ chế, chính sách, lẫn tổ chức thực hiện.

Đối với nguyên tắc độc lập trong bảo đảm và kiểm dịnh chất lượng giáo dục đại học, PGS.TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh, trên thế giới, vấn đề độc lập trong nguyên tắc kiểm định cũng như trong tổ chức kiểm định đều được đề cập tới, nhưng có giải thích rõ ràng. Tại Việt Nam, mặc dù được luật ghi nhận nhưng cho đến nay khái niệm độc lập không hề được định nghĩa và cũng không rõ khái niệm “độc lập” trong nguyên tắc kiểm định chất lượng có mối tương quan gì không với khái niệm “độc lập” của tổ chức kiểm định chất lượng.

Đại biểu tham dự Hội nghị 

Đánh giá về thực tiễn hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học thời gian vừa qua, PGS.TS Chu Hồng Thanh cho rằng, từ năm 2005 chúng ta mới bắt đầu làm quen với công tác kiểm định chất lượng giáo dục. So với thế giới, Việt Nam quan tâm đến kiểm định chất lượng giáo dục khá muộn. Cho đến nay, kiểm định chất lượng giáo dục được quan tâm nhiều hơn nhưng về cơ bản vẫn đang ở trạng thái “khởi động”. Từ phân tích thực trạng 14 năm kể từ khi có quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, PGS.TS Chu Hồng Thanh kiến nghị, không nên coi kiểm định là mục tiêu giáo dục mà là phương tiện để phát triển giáo dục, kết quả kiểm định không được xem là thành tích đào tạo mà là động lực để phấn đấu, kiểm định là hoạt động đo lường khách quan chứ không thay thế công cụ quản lý. Tuy nhiên, giữa tổ chức thực hiện chương trình giáo dục với kiểm định chất lượng thực hiện chương trình như một cặp bài trùng luôn cần được tiến hành song song, không thể tách rời.

Cũng cho ý kiến về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, GS.TSKH Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều bất cập cần sớm nhận diện. Một trong những bất cập được GS.TSKH Đào Trọng Thi chỉ rõ, đó là việc kiểm định chất lượng trong nước đối với chương trình giáo dục đại học thì chưa thực hiện được nhiều. Hiện cả nước có khoảng 3.000 chương trình đào tạo đại học nhưng hiện nay việc kiểm định chương trình đào tạo lại thực hiện quá chậm. Cả nước hiện có khoảng 15 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định trong nước. Đây là một bất cập cần sớm khắc phục.

Phân tích về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, từ khi ra đời hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo đục đại học, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cho các cơ sở giáo đục đại học nước ta đã được xây dựng và chỉnh sửa nhiều lần. Bộ tiêu chuẩn mới nhất đã được ban hành theo Thông tư 12 với sự mô phỏng theo bộ tiêu chuẩn của AUN, bao gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn này rất đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, đây cũng là bộ tiêu chuẩn khá phức tạp, nhiều ý trùng lặp và khó áp dụng. Do đó, GS, Lâm Quang Thiệp đề nghị, sau một thời gian thực hiện bộ tiêu chuẩn này nên tổ chức tổng kết và chỉnh sửa. Hơn nữa, hệ thống giáo dục đại học nước ta là hệ thống nhiều tầng bậc và trình độ, sử dụng duy nhất một bộ tiêu chuẩn cho mọi loại trường không khỏi gây khó khăn cho nhiều trường. Nên chăng xây dựng các bộ tiêu chuẩn cho các loại cơ sở giáo dục khác nhau, hoặc xây dựng các hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thích hợp cho các loại hình trường khác nhau.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019, do đó, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và với cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc thực hiện cần theo lộ trình cụ thể, từng bước. Bên cạnh đó, Ông Mai Văn Chính cũng đồng tình với một số ý kiến đại biểu đề xuất tại Hội nghị về sự cần thiết phải thành lập Hội đồng kiểm đinh quốc gia trong thời gian tới đảm bảo tính thống nhất, khách quan.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, mặc dù từ năm 2005 chúng ta mới bắt đầu công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến nhất định từ nhận thức đến quy định pháp luật và thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập cần được tổng kết và nhận diện.

Qua ý kiến phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình ghi nhận một số vấn đề trọng tâm cần tiếp tục nghiên cứu như: làm rõ khái niệm, định nghĩa bảo đảm và kiểm định chất lượng; cụ thể hóa chính sách, pháp luật bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; minh bạch quá trình kiểm định chất lượng giáo dục đại học; bộ tiêu chuẩn đánh gái chất lượng cơ sở giáo dục đại học… Những ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị, sẽ là những thông tin hữu ích, cơ sở quan trọng để Ủy ban đề xuất, khuyến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới./.

Lê Anh