Cùng dự buổi làm việc còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Hoàng Thị Hoa, Phạm Tất Thắng; đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo); TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Xử lý nghiêm sai phạm của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018
Về kết quả xử lý sai phạm và khắc phục hậu quả sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương, báo cáo của Bộ Giáo dục cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp thực thi các hoạt động chuyên môn hỗ trợ Bộ Công an chủ trì điều tra xác minh, xử lý các tiêu cực và gian lận thi cử tại Hội đồng thi các tỉnh, đảm bảo công bằng của kỳ thi cũng như sự nghiêm minh của pháp luật. Cụ thể, tại Hà Giang, kết quả thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 330 bài thi của 114 thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đó. Cá biệt có thí sinh có tổng điểm các bài thi được nâng lên 29,95 điểm. Kết quả xử lý cho thấy, trong số 114 thí sinh có 72 thí sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp năm 2018 và chỉ có 03 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT; 39 thí sinh đã nhập học và hiện đang học tại 23 trường đại học, cao đẳng. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xử lý nghiêm, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử nên khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 39 sinh viên này có tham gia vào quá trình gian lận thi cử thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Đối với gian lận thi cử tại Hòa Bình và Sơn La, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp cho thấy, trong số 108 thí sinh được sửa điểm thi có 01 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT đã được Sở Giáo dục và Đào tạo xóa tên khỏi danh sách tốt nghiệp; 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển đại học, cao đẳng; 01 thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 đã nhập học vào Học viện An ninh và 81 thí sinh đã nhập học vào 26 trường cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đã bị các trường buộc thôi học. Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xử lý nghiêm khắc, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử nên khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 12 sinh viên này có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 của cả nước đạt 94,06%
Báo cáo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%. Kết quả này có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền, phản ánh trung thực chất lượng dạy học của các địa phương. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đỉnh phổ điểm nằm trong khoảng từ 4 điểm đến 6,5 điểm và điểm trung vị nằm trong khoảng 4 đến 6 điểm.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại buổi làm việc.
Đối với môn Tiếng Anh, tuy điểm trung bình mới chỉ đạt 4,36 điểm và tỷ lệ thí sinh có điểm dưới 5 là 68,75% nhưng đã có sự cải thiện so với năm 2018. Từ phân tích kết quả điểm thi cho thấy, nếu xét trên tổng số hơn 800.000 thí sinh dự thi môn Tiếng Anh thì sự chuyển biến chưa thực sự rõ nét. Đối với môn Lịch sử, điểm trung bình đạt 4,30 điểm, số lượng thí sinh đạt điểm trên trung bình đạt gần 30%; so sánh với năm 2018 cả về điểm trung bình và tỷ lệ phần trăm thí sinh đạt điểm trên trung bình đã cải thiện tốt hơn, tuy nhiên phổ điểm bình quân chung của môn lịch sử vẫn thấp nhất trong các môn.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đó là vẫn xảy ra một số sai sót ở một số Hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm thi muộn so với giờ quy định; hay một số cán bộ coi thi ký nhầm ô giấy thi của thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đánh giá, khắc phục bất cập kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Cho ý kiến tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác xử lý sai phạm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với các bộ, ban ngành địa phương trong giải quyết hậu quả, tiến hành kỷ luật, khởi tố các tổ chức, cá nhân sai phạm. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm nhưng đến thời điểm này, tại sao mới chỉ xử lý cán bộ ở địa phương trong khi sai phạm mang tính hệ thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra chỉ “nghiêm túc rút kinh nghiệm”?
Về kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các ý kiến đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rút kinh nghiệm, nhận diện được điểm yếu và bất cập của kỳ thi năm 2018 chính xác, đầy đủ. Nhờ vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 đạt được kết quả tốt, tổ chức kỳ thi an toàn, không có sự cố nghiêm trọng. Đặc biệt kỳ thi năm 2019 đã đạt mục tiêu về phổ điểm, trên 94% đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ và trượt tốt nghiệp ở các địa phương đã phản ánh khách quan chất lượng dạy và học, là căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho rằng, kết quả này vẫn chưa như mong muốn. Bởi với phương thức thi hiện tại, với hai mục tiêu là đảm bảo an toàn và phổ điểm thì chỉ có thể duy trì ở một số năm tiếp theo, cho đến khi có chương trình sách giáo khoa mới ở tất cả cấp học phổ thông. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn nhận rõ, nếu kỳ thi không đánh giá đúng năng lực dạy và học thì kỳ thi cũng chỉ mang tính chất đối phó.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho rằng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận, đảm bảo tỷ lệ phù hợp để đánh giá đầy đủ năng lực của học sinh.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa nêu ý kiến, trong báo cáo của Bộ Giáo dục có nêu qua 05 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 cho thấy kỳ thi này là phù hợp, đề xuất tiếp tục giữ ổn định cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, với định hướng này của Bộ không phù hợp bởi vẫn còn cần nghiên cứu, chỉnh sửa trong phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho những năm sau.
Qua tiếp xúc cử tri, giám sát tại địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh khẳng đinh, kỳ thi 2 trong 1 tổ chức ở địa phương giúp giảm tải áp lực cho phụ huynh, học sinh, tính khách quan cao hơn khi tổ chức đưa giảng viên của các trường đại học xuống địa phương thực hiện công tác coi thi. Nhưng dư luận lại đặt câu hỏi chi phí cho khoảng 5 nghìn giảng viên đại học về địa phương được bố trí như thế nào,, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu phương thức tổ chức kỳ thi làm sao có sự giám sát chéo, vừa đỡ tốn kém vừa phát huy vai trò của các cơ sở giáo dục ở các địa phương.
Đối với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2019, các ý kiến đều cho rằng phần lớn môn thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ tạo thuận lợi cho việc ra đề, chấm thi, đánh giá chất lượng học sinh. Mỗi phương án thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu thế riêng, tuy nhiên, hiện nay có xu hướng tuyệt đối hóa việc ra đề trắc nghiệm mà bỏ qua hình thức tự luận. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng nêu ví dụ về những trường hợp cử nhân ra trường không viết nổi cái đơn xin việc, đây là hệ quả của việc lạm dụng sử dụng hình thức thi trắc nghiệm đã làm giảm năng lực tư duy của học sinh. Vị vậy, đại biểu đề xuất cấu trúc đề thi nên kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận, đảm bảo tỷ lệ phù hợp để đánh giá đầy đủ năng lực của học sinh.
Việc lựa chọn phương thức thi trắc nghiệm hay tự luận, tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp cũng là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa, đại biểu Nguyễn Minh Ánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội. Các đại biểu cho rằng, việc tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán đang dẫn tới tình trạng dạy và học môn toán ở các trường phổ thông cũng thay đổi theo hướng chỉ dạy và học với mục tiêu đạt kết quả cao, chứ không chú trọng vào nâng cao năng lực tư duy của các em học sinh.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giải trình những vấn đề đại biểu nêu liên quan đến quy trình tổ chức thi; sai phạm tại kỳ thi năm 2018 chủ yếu do có sự can thiệp của cán bộ giáo dục ở địa phương chứ không phải do lỗi kỹ thuật…Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định việc đưa giảng viên các trường đại học và sử dụng camera tại kỳ thi đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ. Về mặt tài chính, những năm trước, các trường đại học đứng ra chủ trì đối với cơ sở thi mà thí sinh dự thi đại học. Còn sở giáo dục và đào tạo chỉ tổ chức các điểm thi cho đối tượng học sinh chỉ dự thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, việc đưa giảng viên về địa phương tổ chức coi thi sẽ đảm bảo được nghiêm túc, khách quan. Sau năm 2021, Bộ Giáo dục sẽ nghiên cứu phương án thi phù hợp tới thực tế, trước mắt Bộ sẽ duy trì phương thức thi như hiện tại, trong quá trình tổ chức thi sẽ tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 được tổ chức nghiêm túc, khắc phục được những sai sót của kỳ thi năm 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan và các địa phương trong việc giải quyết hậu quả kỳ thi 2018, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm. Đó là mặc dù những sai phạm này chủ yếu do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục ở địa phương nhưng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các khâu, từ việc ký hợp đồng, đấu thầu, nghiệm thu phần mềm chấm thi trắc nghiệm, đặc biệt cần tiếp tục hoàn thiện phần mềm để ngăn chặn sự can thiệp có chủ đích gây hậu quả lớn cho công tác chấm thi.
Về hình thức thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh đề nghị, trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét thấu đáo các ý kiến của đại biểu đã nêu tại buổi làm việc, trong đó chú trọng điều chỉnh dạy và học hướng tới phát triển toàn diện năng lực học sinh. Đặc biệt đối với môn Toán và môn Lịch sử, Bộ nên khảo sát, nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các trường đại học có nên tổ chức theo hình thức trắc nghiệm đối với hai môn học này. Không bằng lòng với kết quả kỳ thi hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức tổ chức thi phù hợp hơn, theo đúng theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo./.