CẦN PHÁT HUY MẶT TÍCH CỰC, GIẢM THIỂU MẶT TIÊU CỰC CỦA INTERNET ĐỐI VỚI VĂN HÓA VIỆT

11/03/2019

Bàn về các chiều tác động của văn hóa mạng tới đời sống xã hội ở Việt Nam tại tọa đàm khoa học “Văn hóa và phát triển” do Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức, các đại biểu cho rằng cần phải tìm ra giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và phát huy những mặt tích cực của Internet đối với văn hóa Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Những năm gần đây, sự phát triển của truyền thông hiện đại, trong đó nổi bật là Internet đã và đang làm cho thế giới ngày một nhỏ bé và gần gũi hơn, con người được thỏa mãn về thông tin, về sự hiểu biết thế giới, được xích lại gần nhau hơn và bình đẳng hơn trên phương diện tiếp cận thông tin. Internet cũng tạo ra sự năng động và hiệu quả cho công việc của các cá nhân và mang lại nhiều tiện ích cho xã hội nhưng mặt khác, cũng do tốc độ phát triển quá nhanh của Internet và những tiện ích của nó cũng khiến con người choáng ngợp và dần dần bị lệ thuộc vào nó rất nhiều. Mặt trái của việc lệ thuộc quá nhiều vào Internet cùng với không ít sự lợi dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông ưu việt này đã đưa tới nhiều hệ lụy không mong muốn cho xã hội. Các đại biểu cho rằng, chưa bao giờ thông tin nhiều và hỗn độn như thế qua mạng.

Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Nguyễn Thị Phương Châm cho biết, Internet xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1997, cho đến nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về Internet trên thế giới với 64 triệu người sử dụng (trên tổng số hơn 96 triệu dân). Trong sự phát triển bùng nổ như vậy của Internet hiện nay, thuật ngữ “văn hóa mạng” nhanh chóng trở nên quen thuộc với nội hàm cơ bản là hệ thống những sự thể hiện, những sự tương tác và những cách ứng xử của con người trong không gian của Internet. Cuộc cách mạng Internert làm cho thế giới phẳng hơn khi tạo ra đa chiều kết nối, đa chiều thể hiện bản sắc cá nhân, nhóm hay cộng đồng mà không chi phối nhiều bởi các đường biên giới quốc gia, các khoảng cách địa lý hay sắc tộc, địa vị xã hội cũng như độ tuổi, giới tính. Chính vì vậy, văn hóa mạng trở nên khác biệt so với những cách hiểu về văn hóa thông thường khiến cho chúng ta cần thiết phải nhìn lại nội hàm cũng như cấu trúc khái niệm văn hóa, phải chăng văn hóa chỉ là tinh hoa, là giá trị hay còn là những thực hành hiện hữu trong đời sống thường ngày, trong không gian thực và không gian ảo?

Đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm

Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Từ Thị Loan cho biết, văn hóa mạng có nhiều định nghĩa, nhưng văn hóa mạng là tổng thể ứng xử, hành vi, biểu đạt, tương tác trên internet của cộng đồng mạng. Môi trường mạng có tính mở, không biên giới, không có giới hạn về không gian, thời gian, địa lý. Internet biến trái đất thành ngôi làng toàn cầu và tính ảo của Internet thể hiện ở chỗ các quan hệ mang tính gián tiếp, không phải trực tiếp, có tính ẩn danh, mang tính tự do, không ràng buộc về đạo đức, trách nhiệm, do vậy khả năng kiểm duyệt, giám sát thông tin mạng là khó. Chính bởi tính cởi mở, tự do, kiểm soát lỏng lẻo đã góp phần quy định, tạo ra văn hóa mạng. Từ đó, không gian mạng tác động lớn và nhanh chóng đến văn hóa của cộng đồng mạng. Xuất hiện các luồng văn hóa mới như văn hóa like, share, bình luận… có cả tích cực và tiêu cực qua những lời khen, chê… Từ đó ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống, đạo đức, nhân sinh quan, bản sắc truyền thống văn hóa, tạo tác động tích cực và tiêu cực.

Các đại biểu cho rằng, thế giới mạng đề cao chủ nghĩa cá nhân, nhưng đồng thời cũng tạo ra tính ích kỷ; dân chủ nhưng cũng có lúc dân chủ quá trớn... gây ra nhiều vấn nạn và hệ lụy. Do vậy vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải làm thế nào để hạn chế những tác động tiêu cực và phát huy được những tác động tích cực của Internet.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Từ Thị Loan, đề ra những vấn đề quan lý ngoài đời đã khó, trên mạng còn khó hơn. Việc quản lý bằng hành chính, công nghệ… cũng không bằng nâng cao ý thức của bản thân người dùng.

Trưởng bộ môn Truyền thông đa phương tiện của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Đỗ Anh Đức cho biết, cộng đồng mạng không chỉ là người tiếp nhận nguồn tin, mà còn là người sản xuất nguồn tin, khởi phát nguồn tin từ mạng xã hội. Do vậy, khi nói về mạng xã hội, nên nhìn nhận họ ở chủ thể của nền văn hóa mới, mang cả tính tích cực và tiêu cực, không cổ súy, nhưng không coi thường. Bởi nếu chỉ quan tâm đến văn hóa thượng tầng mà không quan tâm đến văn hóa quần chúng thì cũng kéo tuột sự phát triển.

Nhiều ý kiến đại biểu khẳng định rằng, không thể phủ nhận cuộc cách mạng Internet đã tạo ra những tác động vô cùng to lớn đối với xã hội, các chiều tác động của nó có thể thấy ở khắp nơi, khắp các lĩnh vực, nó có thể tạo ra quyền lực, tạo dư luận xã hội, tạo liên kết xã hội, trao giọng nói cho nhiều nhóm xã hội yếu thế, giải phóng ẩn ức của cá nhân và nhóm, làm thay đổi những quan niệm về giao tiếp, tương tác, trải nghiệm, thậm chí thay đổi cả cách sử dụng ngôn từ hay cách thể hiện tình cảm… 

Các đại biểu cho rằng, chúng ta cần tập trung nhìn nhận lại cuộc cách mạng Internet ở nước ta và những chiều tác động của nó tới văn hóa bao gồm cả các thực hành văn hóa và những vấn đề lý luận về văn hóa. Nhìn nhận rõ những hệ lụy không mong muốn. Con người đã định hình và bị định hình trong không gian mạng như thế nào. Và giải pháp nào để phát huy mặt tích cực, hạn chế những hệ lụy không mong muốn của các chủ thể thực hành văn hóa mạng hiện nay.

Thu Phương