Toàn cảnh buổi tọa đàm
Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội Hồ Sĩ Quý - thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, hiện thực đa dạng, phức tạp đang phát triển đầy sôi động của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam từ nhiều năm nay đã gây ảnh hưởng, tác động làm biến đổi khá dữ dội bộ mặt giá trị đạo đức xã hội. Bên cạnh những biến đổi tích cực, trong đời sống xã hội, nổi cộm lên và gây nhiều bức xúc lại là những biến đổi tiêu cực: xuất hiện tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, bảng giá trị lệch lạc, niềm tin suy giảm, y tế kém nhân văn, chính sách văn hóa bất cập … Đây là những vấn đề rất nóng và cấp bách của bản thân văn hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng, chống tha hóa đạo đức đang được đẩy mạnh với nhiều vụ án nghiêm trọng đã được khởi tố hai năm gần đây, không ít hiện tượng xã hội tiêu cực ngoài sức tưởng tượng đã bị phơi bày. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng đã trực tiếp phản ánh và thảo luận về vấn đề này.
Đối mặt với thực trạng giá trị đạo đức xã hội đang có nhiều vấn đề nổi cộm như vậy, các đại biểu cho rằng, việc triển khai Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nien, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chính là cơ hội tốt để văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người, trong đó tâm điểm là giá trị đạo đức xã hội sẽ được nghiên cứu sâu hơn, được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan hơn. Từ đó có thể đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn sâu sắc, có giá trị để hình thành các khuyến nghị, tư vấn xây dựng và phản biện chính sách, định hướng vĩ mô đối với nội dung này.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định, giá trị đạo đức nghe không thấy, nhìn không thấy, sờ không thấy. Do vậy, việc xác định trách nhiệm xã hội – Ai là người thực sự phải chịu trách nhiệm về sự xuống cấp của các giá trị đạo đức xã hội cũng không dễ. Việc uốn nắn, giải quyết hay chịu trách nhiệm về các vấn đề giá trị đạo đức xã hội thường lại không phải là việc riêng của một ngành, một lĩnh vực, một cơ quan nhà nước chuyên biệt, hay của một cá nhân có trọng trách nào, mặc dù, cũng đương nhiên không phải là việc mà ai cũng không phải chịu trách nhiệm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng cho rằng, ngày nay văn hóa chạy song hành với kinh tế và con người sinh ra trong nền văn hóa nào sẽ có đạo đức đó, hay đạo đức của họ sẽ tạo ra văn hóa. Trong thời kỳ hội nhập, đối với văn hóa Việt nam, yếu tố nội sinh phản ứng như thế nào với yếu tố ngoại sinh là quan trọng và tất yếu. Bản thân Việt Nam là cửa ngõ của Đông Nam Á nên lúc nào cũng phải đối mặt với sự hòa nhập, hòa tan. Do vậy đứng trước tình hình mới, chúng ta cần bình tĩnh để nghiên cứu, tìm kiếm hệ giá trị đạo đức phù hợp. Chính sách sinh ra không phải để điều chỉnh văn hóa mà cần phải điều chỉnh hành vi của người thực hành văn hóa, có như vậy mới có thể ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực của đạo đức xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu xác định, những nội dung về đạo đức công quyền; đạo đức trong lực lượng công an, quân đội, đạo đức kinh doanh; đạo đức pháp luật; đạo đức y tế; đạo đức trong lĩnh vực bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình; đạo đức giới trí thức, đạo đức học đường; đạo đức trong lĩnh vực truyền thông… là những vấn đề quan trọng mà trong thời gian tới mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần hợp tác và nghiên cứu.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đề xuất, trong khuôn khổ của Báo cáo thường niên về Văn hóa Việt Nam, những nội dung thuộc lĩnh vực giá trị đạo đức xã hội cần đánh giá thực trạng và những biến đổi tích cực cũng như tiêu cực của đời sống giá trị xã hội Việt Nam với các giai tầng chủ yếu là: tầng lớp quản lý, lãnh đạo; tầng lớp nông dân, công nhân và cư dân các khu công nghiệp, đô thị; cán bộ, công chức, viên chức hương lương Nhà nước; và các doanh nhân, giới chủ doanh nghiệp; tầng lớp trí thức… thông qua thực trạng đạo đức xã hội: đạo đức kinh doanh; đạo đức pháp luật; đạo đức y tế; đạo đức trong lĩnh vực bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình; đạo đức học đường… cũng như thực trạng đời sống văn hóa cư dân các vùng miền.
Có ý kiến đại biểu đề xuất, nếu cần thiết có thể tổ chức điều tra, hoặc thống kê để xây dựng các bảng biểu, số liệu của riêng Chương trình Hợp tác về nội dung này.