XỬ LÝ IN LẬU SÁCH GIÁO KHOA PHẢI ĐỦ SỨC RĂN ĐE

10/05/2018

Trong chuyến làm việc của Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ về về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017 tại Hà Nội từ ngày 07-09/5 vừa qua, thực trạng in lậu sách giáo khoa là vấn đề được các đơn vị khảo sát kiến nghị nhiều nhất.

Sách in lậu tràn lan trên diện rộng

Theo Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội, năm 2016, Thanh tra Sở tiếp nhận hồ sơ từ Công an thành phố Hà Nội chuyển sang và ban hành Quyết định tịch thu, tiêu hủy 52.706 xuất bản phẩm là sách giáo khoa in lậu đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Giáo dục Văn Hiến.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, từ năm 2016 đến nay, các Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động in ấn sách; tiêu hủy 55.228 sản phẩm; tịch thu 08 máy in, máy phơi với tổng mức phạt là 742.000.000 đồng.

 Đoàn khảo sát làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương TP. Hà Nội

Tháng 4/2017, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện Công ty TNHH Thương mại Hải Anh (ngõ 459 Bạch Mai, Hà Nội) đang tổ chức in, gia công với 30.000 bản bìa sách Tiếng Anh, ruột sách ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng không có Quyết định xuất bản của Nhà xuất bản. 

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, nếu trước đây, sách lậu, sách giả chỉ thường xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Qua kết quả kiểm tra của đơn vị trong thời gian gần đây, sách in lậu gia tăng nhiều trên diện rộng ở các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ…

Hậu quả khôn lường

Việc in lậu sách giáo khoa nói riêng, sách giáo dục nói chung đang là một thực trạng nhức nhối cho ngành xuất bản. Hoạt động in lậu nói riêng và hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản nói chung đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp và kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản và của bạn đọc.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội Vũ Bá Khánh phát biểu

Tác giả các cuốn sách và Nhà xuất bản chịu trách nhiệm phát hành sách sẽ là những đối tượng đầu tiên chịu hậu quả của nạn sách lậu, sách giả. Tổng Giám đốc Công ty Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà nội Vũ Bá Khánh cho biết, sách in lậu không phải trả tiền mua bản quyền cũng như tất cả các chi phí như: nhuận bút, biên tập... nên chi phí giảm đáng kể. Với giá bán thấp, loại sách này được tiêu thụ rất nhanh so với sách thật. Nhiều Nhà xuất bản và các tổ chức doanh nghiệp nằm trong hệ thống phát hành đã bị thua lỗ cũng vì lẽ đó.  

Đoàn khảo sát làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Chỉ riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2015 lỗ 45,92 tỉ đồng; năm 2016 lỗ 48,22 tỉ đồng; năm 2017 lỗ khoảng 40 tỉ đồng. Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách cho biết, sách in lậu đã buộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải cân nhắc in với số lượng nhỏ để không tồn kho. Do số lượng in nhỏ đã đẩy giá thành lên cao, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người sử dụng cũng như Nhà xuất bản; làm giảm nguồn lực để tiếp tục đầu tư biên soạn, biên tập tổ chức in ấn phát hành các sản phẩm mới. Sách in lậu thực sự không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành xuất bản nói chung và các nhà xuất bản nói riêng.

Không chỉ vậy, sách lậu thường được in với chất lượng kém, đa số có nhiều sai sót về nội dung so với bản chính nên ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tác giả và lợi ích của người tiêu dùng.

Chế tài phải đủ sức răn đe

Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cũng đã rất quan tâm, đưa ra nhiều biện pháp tích cực để đấu tranh với vấn nạn in lậu. Trước nạn in sách lậu, sách giả, các Nhà xuất bản đã phải nâng cao chất lượng sách, giảm giá bán, dùng tem chống giả, quản lý chặt chẽ công tác phát hành… để đối phó. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian áp dụng, các cơ sở in sách lậu bắt chước được ngay với mức độ rất tinh vi. Các Nhà xuất bản cũng đã quan tâm và triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời. Tuy nhiên, do hoạt động in lậu ngày càng phức tạp, tinh vi, nguồn lực thanh tra, kiểm tra còn mỏng nên việc kiểm soát tình trạng in lậu tuy có kết quả bước đầu nhưng chưa được như mong muốn.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái phát biểu 

Phát biểu ý kiến trước Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái cho rằng, các biện pháp chống sách lậu bằng việc xử phạt như hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và khống chế tệ nạn này. Vì thế, nhiều cơ sở in lậu liên tục tái diễn sai phạm. Nguyên nhân chính là chế tài, khung hình phạt chưa đủ mức mạnh. Theo ông, mức xử phạt hành vi in, phát hành sách lậu, sách giả, trong dó có sách giáo khoa cần phải được nâng cao hẳn lên, cả mức phạt hành chính và khung hình phạt hình sự để có thể kiểm soát dứt điểm tình trạng này.

Trưởng Đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Ghi nhận những thông tin và kiến nghị của các đơn vị, Trưởng Đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa khẳng định, nạn sách lậu trong thời gian dài vừa qua đã gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với độc giả và các Nhà xuất bản. Chống nạn in lậu là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các đơn vị xuất bản chân chính. Trưởng Đoàn khảo sát nhấn mạnh, đây một vấn đề lớn cần sự phối hợp, vào cuộc của tất cả các cơ quan liên quan. Do vậy, trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa trên mặt trận thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm./.

Thu Phương - Trọng Quỳnh