ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ KHẢO SÁT THỰC TẾ TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC HÀ NỘI

08/05/2018

Tiếp tục Chương trình khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017, sáng 08/5, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội

Đoàn khảo sát của Ủy ban do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa làm trưởng đoàn. Cùng đi có Ủy viên Thường trực Ủy ban Phan Viết Lượng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa; đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Tuấn Tứ; đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội Dương Minh Ánh cùng các thành viên Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Văn phòng Quốc hội.

Báo cáo về tình hình sử dụng sách giáo khoa và tài liệu giáo dục trong giai đoạn 2012 – 2017 của Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng nhà trường Trương Thị Cẩm Tú cho biết, trong giai đoạn 2013-2018, nhà trường sử dụng song song các sách giáo khoa công nghệ giáo dục và sách giáo khoa hiện hành ở các môn học, trong đó, các sách giáo khoa công nghệ giáo dục được sử dụng trọng tâm ở các môn Toán, Tiếng Việt và Văn. Ngoài ra, nhà trường cũng tiếp cận với các tài liệu giáo dục Công nghệ giáo dục ở các môn học như Giáo dục lối sống, Tự nhiên và Xã hội, Mĩ thuật.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội Trương Thị Cẩm Tú báo cáo trước Đoàn khảo sát

Với môn Ngoại ngữ, nhà trường đang sử dụng 03 loại giáo trình: giáo trình theo Chương trình thí điểm Tiếng Anh tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; giáo trình trong chương trình liên kết với Hội đồng Anh (British Coucil) và giáo trình Family and Friends.

Hiệu trưởng Trương Thị Cẩm Tú cho biết, đa số giáo viên của trường đánh giá sách giáo khoa công nghệ giáo dục và sách hiện hành đang được triển khai giảng dạy ở trường có nội dung bài học phong phú, đa dạng; bài học phù hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh, phù hợp với đặc điểm địa phương; màu sắc in trong sách rõ nét, không bị nhòe; hình ảnh trong sách được thiết kế đẹp, hấp dẫn. Hơn 50 % giáo viên đánh giá bìa và các trang trong sách được đóng chắc chắn.Đa số ý kiến của giáo viên nhà trường cho rằng, số lượng sách giáo khoa hiện hành được cung cấp đủ, nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, hơn 50% giáo viên cho rằng Sách giáo khoa công nghệ giáo dục cung cấp đủ nhưng chậm.

Toàn cảnh buổi làm việc

Về giá sách, đa số ý kiến cha mẹ học sinh cho rằng giá sách phù hợp với điều kiện của học sinh. Đa số phụ huynh đăng ký mua sách qua giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Số còn lại mua sách tại các hiệu sách hoặc dùng lại sách cũ của người thân.

Trưởng đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Để thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy, Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội coi Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục là một phương án bình đẳng như các phương án khác để nhà trường được phép lựa chọn. Đồng thời, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định và công bố các Sách giáo khoa đủ điều kiện sử dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông; hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông hình thức và cách thức tổ chức lựa chọn các Sách giáo khoa đủ điều kiện và  tạo điều kiện để các sách giáo khoa và tài liệu giáo dục như Sách giáo khoa công nghệ giáo dục được triển khai đại trà.

Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô giáo Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội

Đánh giá cao cơ sở vật chất khang trang, môi trường giáo dục của Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, Trưởng đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình trong những năm học tới. Tuy nhiên, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị nhà trường cân nhắc, xem xét việc sử dụng song song 02 bộ sách của trường có tạo gánh nặng, khó khăn cho học sinh và quá trình giảng dạy hay không.../.

Thu Phương – Trọng Quỳnh