ĐỀ XUẤT QUY ĐỊNH CAO ĐẲNG THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

25/08/2018

Chiều 24/8, tiếp tục chương trình Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Uỷ ban VH,GD,TN,TN&NĐ tổ chức, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung xoay quanh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Toàn cảnh hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này đã quán xuyến khá đầy đủ những vấn đề được đặt ra từ hoạt động thực tiễn của giáo dục đại học. Về cơ bản 35 nhóm nội dung được xem xét, sửa đổi, bổ sung  đều thể hiện những cách tiếp cận tiến bộ.

Dự thảo Luật giáo dục đại học lần này đã một bước thể chế hóa quyền tài sản theo tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XII. Đặc biệt là đã xác lập mô hình quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học công lập trong giai đoạn tới thông qua nội dung các điều 14, 15; trao quyền tự chủ đầy đủ cho Hội đồng trường thông qua nội dung Điều 16; hiệu chỉnh lại cách quản trị trường đại học tư thục thông qua nôi dung các điều 16a, 17, 20, 66, 67 nhằm tháo gỡ những bức sức của đại học tư thục; khẳng định nội hàm tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học thông qua nội dung Điều 32. Có thể nói những những nội dung sửa đổi, bổ sung trên là cốt lõi để bảo đảm sự phát triển bền vững của giáo dục đại học.

Cân nhắc quy định về sở hữu

Liên quan đến vấn đề sở hữu, các đại biểu cho rằng, đây là một khái niệm tác động đến cả hệ thống giáo dục. Do vậy, tốt nhất nên được thể hiện ở Luật Giaso dục (luật mẹ). Tại Dự thảo Luật giáo dục đại học, khi viết về đại học công lập đã khẳng định đó là thuộc “sở hữu nhà nước” (Khoản 1, Điều 16). Tuy nhiên, các loại sở hữu khác (sở hữu tư nhân, sở hữu chung cộng đồng hoặc sở hữu tập thể) thì lại quy định chưa rõ. Cho dù vậy, khi đọc dự thảo Luật giáo dục đại học chúng ta vẫn có thể phân biệt được loại hình đại học tư thục vì lợi nhuận (sở hữu tư nhân, mọi định chế quản trị dựa vào vốn, được tham chiếu luật doanh nghiệp); loại hình đại học tư thục không vì lợi nhuận, mọi định chế quản trị tương tự như đối với trường đại học công lập. Có ý kiến đại biểu cho rằng, quy định như vậy không tạo được động lực cho nhà đầu tư.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu cho rằng, nếu phân loại giáo dục đại học theo sở hữu (nhà nước, tư nhân, chung cộng đồng hoặc tập thể) rồi định chế về tổ chức theo 3 mô hình: đại học công lập, đại học tư thục không vì lợi nhuận, đại học tư thục vì lợi nhuận thì sẽ rành mạch, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn.

Nên quy định Cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học

Đảng và Nhà nước luôn nhắc nhở phải hội nhập quốc tế. Ngày 17/8 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu nhấn mạnh tại Hội thảo “Giáo dục đại học- chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức: "Giáo dục đại học phải tổ chức và hoạt động theo xu hướng chung của thế giới".

Chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ban hành ghi rõ: “Giáo dục đại học bao gồm các cấp độ 5,6,7,8 trong bảng phân loại ISCED và lân lượt có tên gọi là Hệ cao đẳng, Cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương và tiến sĩ hoặc tương đương ” (trang 49 ISCED 2011).

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Mặt khác, từ hơn 30 năm nay, ngành giáo dục cũng đã định hình những chương trình đào tạo theo định hướng thực hành, gắn với nghề nghiệp, chuẩn bị cho sinh viên bước vào thị trường lao động và có thê tiếp cận các chương trình giáo dục đại học khác. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã định rõ đặc điểm của 6 loại cao đẳng (Cao đẳng Y tế, cao đẳng Nghiệp vụ., cao đẳng Nông nghiệp, cao đẳng Kỹ thuật, cao đẳng Cơ bản). Một số trường Đại học gọi đó là “đại học ngắn hạn”. Tấm bằng của hệ đào tạo trên được gọi là “cử nhân cao đẳng”.

Các đại biểu cho rằng, từ chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, quy định của Quốc tế và hoạt động thực tiễn nên cho phép khẳng định cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học .

Xem xét quy định về đại học quốc gia và đại học vùng

Liên quan đến đề đại học quốc gia, đại học vùng, các đại biểu nhận định, đây là những tổ chức giáo duhc đại học đa lĩnh vực, được tổ chức bằng cách gom các đại học vùng đơn lĩnh vực lại. Về nguyên tắc, đại học quốc gia, đại học vùng phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất theo 3 cấp: đại học quốc gia, đại học vùng (University), trường thành viên (College) và khoa (Deparment). Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đã “kiến tạo” university trong university. Các university  thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng tự cho mình “bài vai” với đại học quốc gia, đại học vùng, hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau thậm chí muốn ly khai.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị 

Các đại biểu cho rằng, nếu để nguyên trạng đại học quốc gia, đại học vùng như hiện nay thì sẽ xảy ra tình trạng lục đục kéo dài; nếu chọn phương án tách nhỏ thì không hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 19. Do vậy, chỉ còn cách sắp xếp lại theo nguyên tắc đã nêu ở trên.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo đặc biệt lưu ý cân nhắc những vấn đề thuộc nghiệp vụ quản lý giáo dục đại học, cụ thể là thời gian “đào tạo trình độ đại học thực hiện từ 3 đến 5 năm học tập trung” (Điều 35). Bởi trong thực tế, giáo dục đại học Việt Nam có khối lượng kiến thức chính trị, quân sự, thể dục thể thao lớn. Nếu quy định như dự thảo thì không còn đủ quỹ thời gian cho các môn chuyên ngành; Điều 38 quy định “văn bằng Giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ”. Quy định này không phù hợp với thực tế Việt Nam. Hiện ở nước ta, ngoài các chương trình 4 năm lấy bằng cử nhân, còn có các ngành theo hướng chuyên sâu lấy danh hiệu bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư…. Thực tế này rất đáng duy trì. Vì vậy các đại biểu kiến nghị sửa là: “văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cao đẳng, bằng cử nhân, bằng chuyên gia (bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên khoa I…), bằng thạc sĩ hoặc tương đương (BS nội trú, chuyên khoa II) và bằng tiến sĩ. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo lược bỏ bớt những giải thích không cần thiết và biên tập lại những câu quá dài trong các quy định của dự án Luật.

Thu Phương