Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo có kết cấu gồm: 11 chương, 69 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bố cục các chương, điều hợp lý của Ban soạn thảo. Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo về cơ bản đã thể hiện được tinh thần đổi mới của Hiến pháp 2013 và tương thích với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật như: về tên gọi, phạm vi điều chỉnh luật; thẩm quyền của Chính phủ đối với tín ngưỡng tôn giáo; việc công nhận tổ chức tôn giáo, pháp nhân tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo…
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cho rằng, về bản chất tín ngưỡng và tôn giáo có những điểm khác biệt. Nếu tham gia tôn giáo, người dân sinh hoạt trong một tổ chức chặt chẽ, có giáo lý, giáo luật, giáo chủ, được hướng dẫn chu đáo bởi đội ngũ giáo sĩ, tăng ni chuyên nghiệp. Còn hoạt động tham gia tín ngưỡng hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của người dân và thỏa thuận của cộng đồng...
Như vậy, tôn giáo và tín ngưỡng có những điểm rất khác nhau về hệ thống tổ chức quản lý cũng như tổ chức các hoạt động nghi thức, tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Trần Thị Tâm Đan đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa tín ngưỡng và tôn giáo để lựa chọn phương án điều chỉnh tín ngưỡng và tôn giáo trong cùng 1 luật hay nên xây dựng văn bản pháp luật riêng cho tôn giáo cũng như tín ngưỡng.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong đời sống tinh thần của người Việt, có người không có tôn giáo nhưng vẫn có tín ngưỡng, ngược lại có người có tín ngưỡng nhưng không có tôn giáo. Tín ngưỡng có tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo, tôn giáo bao hàm cả tín ngưỡng. Đặc biệt, mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, nếu gộp 2 nội dung tôn giáo và tín ngưỡng vào cùng 1 luật để điều chỉnh, quản lý sẽ không bao quát quát hết sự đa dạng, phong phú của tín ngưỡng và tôn giáo. Do vậy, các đại biểu đề nghị nên tách tín ngưỡng, tôn giáo thành 2 luật khác nhau với phạm vi điều chỉnh cụ thể, chính xác hơn đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
Về việc công nhận tổ chức tôn giáo, pháp nhân tôn giáo, một số đại biểu cho rằng, cái quan trọng nhất của một tôn giáo khi được thừa nhận chính thức là tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, trong Điều 15 của dự thảo Luật mặc dù đã nêu lên 1 số quyền được làm sau khi được cấp giấy đăng ký nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót như: dự thảo Luật chưa có quy định về quyền sở hữu, quyền được nhận các tài sản hiến tặng của các tổ chức tôn giáo, quyền sử dụng, quyền hoạt động của tôn giáo trong những lĩnh vực cụ thể như giáo dục, xã hội...
Tại hội nghi, nhiều đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ hành vi nào bị cấm trong hoạt động tôn giáo, hành vi nào bị cấm trong hoạt động tín ngưỡng. Đồng thời, cần rà soát lại hành vi nào của tổ chức bị nghiêm cấm, hành vi nào của cá nhân bị nghiêm cấm... để làm cơ sở cho việc áp dụng các chế tài xử lý.
Những ý kiến này sẽ là thông tin hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.