Cần giải quyết những bất cập để Luật Thanh niên đi vào cuộc sống

16/07/2015

Việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên còn nhiều bất cập khiến Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Do vậy, luật này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu lên tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc thực hiện Luật Thanh niên, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 15/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Vũ Minh Đạo đã nêu tóm tắt dự thảo về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Luật Thanh niên được Quốc hội ban hành năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006. Sau 9 năm thực hiện, Luật Thanh niên và hệ thống văn bản dưới luật đã tạo được hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của thanh niên.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, những hạn chế, bất cập trong triển khai đã khiến Luật Thanh niên chưa thật sự đi vào cuộc sống, nhiều thanh niên chưa biết đến Luật Thanh niên. Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Doãn Đức Hảo cho biết, để thực thi Luật cần có những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, các cơ quan mới ban hành được 2 Nghị định, 3 Thông tư và Thông tư liên tịch; trong khi thực tế cần khoảng 5 Nghị định và 13 Thông tư hướng dẫn mới thực hiện tốt được. Bên cạnh đó, một cản trở trong quá trình triển khai đó là Luật Thanh niên không quy định các chế tài bảo đảm việc thi hành luật, đặc biệt là các chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tổ chức triển khai thực hiện và vi phạm các quy định trong Luật.

Cùng quan điểm trên, theo Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Vũ Minh Đạo: Trong quá trình thực hiện Luật còn nhiều bất cập như văn bản ban hành chậm, quy định chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí nhiều quy định chồng chéo, thiếu thống nhất. Do vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ trì, phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Luật Thanh niên; bổ sung chế tài xử lý các đơn vị vi phạm Luật Thanh niên; đồng thời cụ thể hóa nội dung hợp tác quốc tế của thanh niên trong điều kiện hội nhập quốc tế…

Theo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hiện nước ta có trên 25 triệu thanh niên (chiếm 27% dân số), đa phần sống ở nông thôn (khoảng 71%).

Theo TTXVN