ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 51/2017/QH14 LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ: TÀI CHÍNH, NỘI VỤ, KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Toàn cảnh Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông làm việc với 3 Bộ: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư.
Giai đoạn 2016-2020 ngân sách nhà nước đã bố trí để thực hiện kiên cố hóa khoảng 11.470 phòng học.
Báo cáo các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ có trách nhiệm bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, Đề án nhằm bảo đảm cơ sở vật chất triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đảm bảo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2015-2022, nguồn vốn ngân sách trung ương chủ yếu tập trung đầu tư thông qua Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 và các chương trình, dự án ODA. Trong đó, Chương trình Kiên cố hóa trường lớp học: trong giai đoạn 2015- 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí tổng số 7.313,489 tỷ đồng để thực hiện kiên cố hóa khoảng 11.470 phòng học.
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại buổi làm việc.
Đối với Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020: trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương đã tập trung bố trí được khoảng 90% mức vốn đầu tư được phê duyệt tại Quyết định 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Nguồn vốn ODA trong giai đoạn qua đã góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thông qua các nội dung như đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo giáo viên, một số Dự án ODA được ký kết và triển khai nhằm mục tiêu phục vụ trực tiếp cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Các Dự án ODA cũng tập trung ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ thông qua các hoạt động xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý, tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, hiện nay, nhu cầu đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn rất lớn, đòi hỏi cần phải tiếp tục được quan tâm đầu tư trong thời gian tới để đáp ứng được nhiệm vụ. Việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục- đào tạo còn hạn chế, các Dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo có quy mô không lớn và chủ yếu tập trung ở khu vực các thành phố lớn.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nêu kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc bố trí ngân sách chi thường xuyên thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, ngân sách trung ương bảo đảm đủ, kịp thời kinh phí để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, trong một số thời điểm còn có sự bị động trong việc chuẩn bị kinh phí ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ, do phát sinh nhiệm vụ chuyên môn từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đến phát sinh tăng phải thực hiện quy trình để trình cấp có thẩm quyền quyết định việc bổ sung kinh phí ngân sách trung ương cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Văn bản quy phạm pháp luật tuyển dụng viên chức giáo viên đầy đủ nhưng chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa sát với thực tế.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Trong đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về viên chức, trong đó có giáo viên phổ thông công lập đã được các cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, là cơ sở pháp lý thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, chấp hành kỷ luật, kỷ cương tốt hơn, không phát sinh những sai phạm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên; tổ chức thực hiện tuyển dụng giáo viên theo đúng quy định của Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP; đã chủ động sắp xếp lại quy mô trường lớp, học sinh, giảm các trường, điểm trường.
Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ trình bày báo cáo với Đoàn giám sát.
Chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đối với giáo viên hiện đã được quan tâm hơn so với công chức, viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập giải quyết trước mắt việc thiếu giáo viên do nghỉ thai sản, nghỉ hưu, chuyển công tác ... được ký hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ thực hiện việc tuyển dụng viên chức giáo viên phổ thông công lập tuy được ban hành đầy đủ nhưng chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa sát với thực tế. Trong đó, định mức học sinh/lớp và giáo viên/lớp hiện nay quy định chung cho cả nước, không phân biệt vùng, miền là chưa phù hợp vì đa số các địa phương đều không bố trí đủ định mức học sinh/lớp, có những địa phương bố trí học sinh/lớp thấp hơn nhiều so với quy định.
Thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH tại buổi làm việc.
Cơ chế, chính sách để chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục phổ thông từ công lập ra ngoài công lập và thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở giáo dục phổ thông công lập ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao chậm được ban hành. Việc xếp lương vào các chức danh nhà giáo theo chức danh nghề nghiệp, chủ yếu theo thâm niên công tác và trình độ đào tạo. Tuy tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo đã được Nhà nước ưu đãi (mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất 70% và hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo) nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống, chưa tạo được động lực để giáo viên tâm huyết gắn bó với nghề nghiệp…
Các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chủ động triển khai trong việc sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm…
Đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư.
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn thường trực đã báo cáo về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn Giám sát đã nhận được các báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ. Các báo cáo cơ bản được chuẩn bị nghiêm túc, đúng tiến độ, bám sát đề cương, phản ánh tương đối toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Đoàn giám sát cũng lưu ý một số vấn đề và đề nghị đại diện các bộ làm rõ các vấn đề liên quan.
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu một số vấn đề đề nghị các Bộ làm rõ.
Về kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”, nhưng hiện nay việc bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo chưa bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính báo cáo làm rõ sự chênh lệch số liệu nêu trên và đánh giá về tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2014-2022, kể cả tỷ lệ chi cho giáo dục và đào tạo từ nguồn vượt thu hàng năm.
Về Chương trình phát triển các trường sư phạm, đề nghị các Bộ đánh giá tiến độ, hiệu quả thực hiện Đề án; đánh giá việc thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng Ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; làm rõ hơn về Dự toán kinh phí xây dựng Chương trình, sách giáo khoa mới theo Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đối với xã hội hóa giáo dục, Đoàn giám sát đề nghị các Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục đồng bộ với các quy định hiện hành của pháp luật chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo cáo về công tác phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết các vấn đề về tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiếu cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn; tình trạng các địa phương dồn ghép điểm trường, sáp nhập các cơ sở giáo dục theo nhiều mô hình khác nhau.
Đại diện lãnh đạo các Bộ tham gia buổi làm việc.
Một số địa phương chịu áp lực yêu cầu mở rộng quy mô trường/lớp do gia tăng dân số cơ học; ngược lại một số địa phương có xu hướng giảm dân số trẻ dẫn tới thu hẹp quy mô trường, lớp; giải pháp trong việc phân bổ biên chế bảo đảm hợp lý giữa các địa phương…
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề nghị các bộ cho ý kiến về sự cần thiết quy định ngân sách riêng cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn cả nước; Trách nhiệm của các Bộ trong việc triển khai một số chương trình, đề án liên quan tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn hạn chế, giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; Công tác phối hợp của các Bộ trong ban hành các văn bản hướng dẫn: Về định mức kỹ thuật đối với thiết bị giáo dục; in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; in, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số; Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn kinh phí do Chính phủ bố trí với nhu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.