ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC

19/04/2023

Sáng 19/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã làm việc với UBND tỉnh Bình Phước.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI BÌNH PHƯỚC VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Bình Phước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; đại diện các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các thành viên Đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Bình Phước là tỉnh miền núi vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới giáp Campuchia với dân số trên 1 triệu người (năm 2021) và 43 dân tộc. Toàn tỉnh có hơn 207 nghìn học sinh các cấp. Bình Phước đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Bình Phước cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn về các điều kiện để triển khai thực hiện, nhưng việc ban hành đầy đủ các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp việc triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn đúng lộ trình quy định và bước đầu đạt kết quả tốt.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Để khắc phục khó khăn và tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thời gian tới, Bình Phước sẽ xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy của Chương trình giáo dục mới.

Tỉnh cũng sẽ tập trung, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; ưu tiên, quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các vùng khó khăn, vùng biên giới, dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến, tạo môi trường thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư giáo dục trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng về biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu

UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị, không thực hiện tinh giản biên chế theo hình thức cào bằng, cơ học hàng năm đối với tất cả các địa phương; có chế độ ưu tiên đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong việc sử dụng sách khoa mới với giá thành rẻ hoặc cấp miễn phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu chi phí và quy trình thực hiện đầu tư thiết bị giáo dục theo Nghị định 40/2020/NĐ-CP ngày 6.4.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành của Luật Đầu tư công.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn phát biểu

Đoàn giám sát ghi nhận, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn khó khăn, song Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các sở, ngành, địa phương của Bình Phước đã nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mới, đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới còn một số tồn tại, khó khăn, như tình trạng thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới trong khi nguồn tuyển dụng hạn chế; cơ sở vật chất chậm được nâng cấp, xây mới, thiết bị dạy học chậm được mua sắm, bổ sung. Giá sách giáo khoa còn cao so với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Số học sinh lớp 1, 2 chưa hoàn thành chương trình môn học, phải ở lại lớp và số học sinh lớp 6 có kết quả học tập xếp loại chưa đạt có số lượng khá lớn. Kết quả xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục còn hạn chế.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Nga phát biểu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bình Phước rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là với các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để người dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục. Tăng cường thu hút, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bình Phước hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Các đề xuất, kiến nghị của tỉnh sẽ được Đoàn tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo. 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)