Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn…
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có đường biên giới dài 277,556 km, tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc. Tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố, với 193 xã, phường, thị trấn (trong đó có 33 xã biên giới, 129 xã đặc biệt khó khăn với 1389/2071 thôn, bản đặc biệt khó khăn); 7 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Dân số toàn tỉnh trên 85 vạn, với 19 dân tộc (trong đó dân tộc Mông chiếm 31,8%, Kinh 12%). Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,29%; cận nghèo chiếm 15,33%…
Theo báo cáo, chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh thời gian qua không ngừng được nâng cao; mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố; thực hiện hiệu quả đề án phổ cập THCS, THPT và chuyển học sinh từ các điểm trường về học tại trường chính. Duy trì tốt và nâng chuẩn về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; huy động học sinh các độ tuổi đến trường. Ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng các trường nội trú, bán trú và thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; sáp nhập các đơn vị trường học, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và đào tạo.
Việc thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được triển khai thực hiện kịp thời. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa chất địa mạo được quan tâm. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện sâu rộng, trở thành phong trào lớn trong toàn xã hội. Hoạt động du lịch có bước phát triển vượt bậc; công tác xúc tiến, quảng bá và các hoạt động kích cầu du lịch được thực hiện thường xuyên mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc.
Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn ra từng bước nề nếp, tuân thủ pháp luật. Nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng được đáp ứng, góp phần thúc đẩy, động viên phát huy nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển chung của xã hội; quyền bình đẳng trước pháp luật giữa các tôn giáo được bảo đảm; khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các tôn giáo được củng cố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định…
Hà Giang đề nghị Chính phủ và Trung ương xem xét phê duyệt tiếp tục được thực hiện Chương trình, Đề án, dự án của Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục; bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề nghị nghiên cứu, xét xét không thực hiện tinh giảm biên chế đối với giáo viên mầm non ở các địa phương, vùng có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định, lĩnh vực văn hóa, giáo dục luôn được tỉnh quan tâm
Đoàn giám sát ghi nhận, là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có những đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất các dân tộc trong tỉnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thân của Nhân dân.
Tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo khá cao, khoảng 29%. Chăm lo phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân. Quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội ngày càng nền nếp; nhiều lễ hội truyền thống. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển văn hóa được tăng cường; số lượng thiết chế văn hóa, thể thao đạt chỉ tiêu quy định. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; khai thác giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ hoạt động du lịch đạt nhiều kết quả…
Đoàn giám sát đề nghị Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy. Quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, luân chuyển, bảo đảm biên chế giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, đối với các tỉnh miền núi, khi quy hoạch mạng lưới trường lớp phải tính toán các điều kiện bảo đảm, trong đó có giáo viên
Có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng đầu tư phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; đầu tư và sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao... phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền. Có chính sách hỗ trợ, huy động nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia hoạt động văn hóa cơ sở; phục hồi, bảo tồn các di sản kiến trúc nhà truyền thống, tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt đối với các di sản có nguy cơ bị mai một, thất truyền…
Nhấn mạnh, Hà Giang là tỉnh biên cương, nhiệm vụ văn hóa, xã hội đặc biệt quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, thời gian qua Hà Giang đã rất coi trọng và làm tốt nhiệm vụ này, cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, đề án phù hợp với đặc thù địa phương. Về một số kiến nghị của Hà Giang, trong đó có chế độ, chính sách đối với học sinh nội trú, học sinh bán trú, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, xem xét kiến nghị với các bộ, ngành liên quan, để góp phần bảo đảm tỷ lệ huy động và duy trì học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
+ Trước đó, sáng 14.1, Đoàn giám sát đã chia thành các tổ, làm việc với sở, ngành của tỉnh Hà Giang liên quan đến các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách; thăm và tặng quà Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hà Giang và Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang.