ĐƯA HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG ĐI VÀO NỀ NẾP

28/07/2020

Đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều khẳng định, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời đã tạo hành lang pháp ý rõ ràng và chặt chẽ hơn, góp phần đưa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp.

 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chủ trì buổi làm việc

Chiều 27.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với đại diện Giáo xứ Thái Nguyên, Hội Thánh Tin lành Thái Nguyên và Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên, về việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều khẳng định, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời đã tạo hành lang pháp ý rõ ràng và chặt chẽ hơn, góp phần đưa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp; giúp các tín đồ tín ngưỡng, tôn giáo, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành dễ dàng hơn trong việc hành đạo, thực thi nghĩa vụ công dân của mình, tạo nên sức mạnh to lớn trong khối đại đoàn kết dân tộc. Việc quản lý tài sản của tổ chức, cơ sở tôn giáo diễn ra minh bạch và đúng luật.

Đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, từ khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời, chúng ta đã có những thành quả bước đầu trong việc đấu tranh với các đối tượng, thế lực thù địch lợi dụng các hình thức tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hòng chống phá Đảng và Nhà nước, cũng như tuyên truyền về những hiện tượng đạo lạ làm mất an ninh trật tự cũng như làm băng hoại truyền thống văn hóa, đức tốt đẹp của dân tộc.

Đại đức Thích Chúc Tiếp - Phó Trưởng ban Trị sự, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên khẳng định, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời đã tạo hành lang pháp ý rõ ràng và chặt chẽ hơn cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Thái Nguyên Nguyễn Văn Thuyết kiến nghị giải quyết triệt để khu vực tượng Chúa trước nhà thờ

Để thực hiện tốt hơn Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, đại diện các tổ chức tôn giáo đề nghị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, không chỉ với các chức sắc, chức việc mà với cả cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, để khi thực thi ăn khớp với nhau. Mục sư Lý Tài Cương - Quản nhiệm Hội Thánh Tin lành Thái Nguyên, mong muốn được UBND tỉnh tạo điều kiện cho mặt bằng để xây dựng nơi thờ tự (hiện phải đi thuê). Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Thái Nguyên Nguyễn Văn Thuyết kiến nghị giải quyết triệt để khu vực tượng Chúa trước nhà thờ, để bảo đảm môi trường cũng như sinh hoạt tôn giáo khu vực sân quảng trường.

Còn theo Đại đức Thích Chúc Tiếp - Phó Trưởng ban Trị sự, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên, nếu có sự thống nhất giữa các quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo với Luật Di sản văn hóa thì sẽ vừa bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị những cơ sở tôn giáo được công nhận là di tích cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.

Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị của đại diện các tổ chức tôn giáo; đề nghị cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với tất cả các đối tượng liên quan; đồng thời có sự phối hợp trong tổ chức thực hiện, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức tôn giáo. Đoàn giám sát cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo hoàn thiện báo cáo, trong đó nêu rõ những vướng mắc, bất cập đang gặp phải, có đề xuất, kiến nghị cụ thể, để đoàn có cơ sở tập hợp, xem xét đưa vào báo cáo giám sát./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)