Ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh
Ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, ghi nhận sự chủ động, nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51. Để hai nghị quyết phát huy hiệu quả, đạt chất lượng, ông đề nghị Hậu Giang cần có một nghị quyết của HĐND tỉnh để huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ của địa phương, để từ đó có đề án của UBND triển khai có kinh phí, giao nhiệm vụ cụ thể từng sở, ban, ngành, có phân lộ trình rõ ràng để phát triển toàn diện về cơ sở vật chất, đội ngũ, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.
Hậu Giang cần tiếp tục phát huy các thế mạnh để năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho học sinh khối lớp 1 đạt hiệu quả, chất lượng. Phát huy nội lực, tranh thủ các ngoại lực, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, cố gắng chỉ đạo tập trung triển khai tốt chương trình lớp 1 và rút kinh nghiệm ngay để chỉ đạo, định hướng cho những năm học sau và các năm tiếp theo, chương trình sách giáo khoa mới tỉnh không chạy theo thành tích mà xem nhẹ chất lượng giáo dục. UBND tỉnh cần tổng hợp lại các kiến nghị đề xuất cụ thể hơn để sau đợt giám sát đoàn sẽ tổng hợp lại các kiến nghị trình Quốc hội, Chính phủ hoặc chuyển ý kiến đến các bộ, ngành liên quan.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, kiến nghị hỗ trợ nhiều điểm vui chơi cho trẻ em và thêm biên chế cho ngành giáo dục
Toàn tỉnh có 333 trường từ mầm non đến THPT, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trường trung cấp luật (thuộc Bộ Tư Pháp), 1 trường cao đẳng cộng đồng, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 71,9%, toàn ngành có 10.023 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn các cấp học đạt 77,76%. Các trường đã chọn sử dụng 3 bộ sách giáo khoa là “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” sử dụng cho học sinh lớp 1 trong năm học tới, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy cho lớp 1 được thực hiện đảm bảo, cơ bản đảm bảo phòng học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1.
Đoàn Giám sát đánh giá Hậu Giang đã quan tâm đúng mức trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, được áp dụng cho học sinh lớp 1 từ năm học sau
Khó khăn của ngành giáo dục Hậu Giang là tình trạng thiếu giáo viên. Cấp tiểu học thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ, cấp THPT khi triển khai chương trình mới có thêm môn học bắt buộc là âm nhạc, mỹ thuật nên khó khăn cho việc bố trí giảng dạy, tuyển dụng giáo viên. Ở cấp THCS, giáo viên dạy các môn lịch sử, địa lí và khoa học tự nhiên, đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo ngắn hạn để có thể tiếp cận nội dung, kiến thức, năng lực trong dạy học tích hợp, kinh phí nâng cấp sửa chữa phòng lớp.
Từ khó khăn đó, Hậu Giang kiến nghị với Đoàn giám sát là cần có báo cáo quốc hội trong đề xuất tăng biên chế giáo viên và kinh phí từ Trung ương để sửa chữa phòng lớp cho ngành giáo dục; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định số lượng học sinh tối đa trên một lớp đối với THCS và THPT không quá 40 học sinh/lớp để đảm bảo tính khả thi cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới, có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức tập huấn đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hướng dẫn cụ thể hơn việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS, THPT./.