Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 51/2017/QH14 Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và các quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Bộ đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26.12.2018. Căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kết quả xây dựng chương trình, tình hình chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, Bộ thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới: Năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo các nội dung tại buổi làm việc
Về sách giáo khoa theo chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa lớp 1. Đối với sách giáo khoa các lớp còn lại, Bộ sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức thẩm định và phê duyệt để sử dụng đáp ứng lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nêu tại Nghị quyết 51/2017/QH14. Đồng thời, Bộ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ở cơ sở giáo dục phổ thông, sẽ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân và ban hành Thông tư trong năm 2019…
Nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 được các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thảo luận
Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng: Chương trình, sách giáo khoa; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất là ba yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Chương trình, sách giáo khoa đang được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, chất lượng chưa đồng đều, thiếu chính sách đãi ngộ; cơ sở vật chất trường lớp nhiều nơi chưa bảo đảm... Điều này sẽ ảnh hưởng tới kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Vấn đề tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; sự chuẩn bị của các địa phương trong triển khai chương trình mới, lựa chọn sách giáo khoa; phương án tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia và các hình kiểm tra, đánh giá; về vấn đề tự chủ đại học khi triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học... cũng được các đại biểu bàn thảo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, qua báo cáo cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14, dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện. Ủy ban thấy rằng, nếu giao hết cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không làm hết được, Chính phủ cần có ban chỉ đạo hoặc tổ công tác về thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 nhằm thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, năm 2020, Ủy ban sẽ giám sát về vấn đề tài chính trong giáo dục, và khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13...