Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về những khó khăn, bất cập trong thực tiễn công tác trưng cầu giám định tư pháp của các cơ quan: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, quan hệ phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chưa thường xuyên, chặt chẽ. Trên thực tế, khó xác định cơ quan, đơn vị đầu mối do vấn đề cần giám định phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của Giám định viên và Cơ quan trưng cầu giám định, hình thức xử lý khi Giám định viên, Cơ quan trưng cầu giám định về việc phối hợp trong quá trình giám định, dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ, gây khó khăn cho Cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan được trưng cầu giám định...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
Ủy ban Tư pháp tổ chức tọa đàm "Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức" quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, góp ý của các bộ ngành liên quan, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã chủ trì tiếp thu các ý kiến.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, buổi tọa đàm nhằm phục vụ việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Tại buổi tọa đàm, một số bộ, ngành đã trình bày các tham luận về thực tiễn hoạt động giám định tư pháp của đơn vị mình, những khó khăn vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, bổ sung
Ông Đào Thinh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tham luận: "Những khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định tư pháp qua hoạt động kiểm sát việc điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng; kiến nghị phương án chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp"
Đại diện Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nêu những khó khăn, vướng mắc trong trường hợp có sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện việc giám định tư pháp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị cần quy định rõ thêm các tiêu chí xác định trường hợp không tách được nội dung giám định, cụ thể hóa thế nào là “gây khó khăn cho việc thực hiện giám định”; đồng thời đề nghị bổ sung tiêu chí các nội dung giám định tuy thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết với nhau khi đó sẽ cùng thực hiện giám định hoặc nếu tách giám định riêng sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng cần xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong việc phải trưng cầu đúng và cung cấp đủ tài liệu, cũng như ràng buộc trách nhiệm của cơ quan được trưng cầu phải cử người giám định, thực hiện trưng cầu, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm cá nhân trong trường hợp bộ ngành từ chối giám định. Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh cần phải ràng buộc chặt trách nhiệm các bên.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, nhiều vụ giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế còn bị kéo dài. Việc kéo dài này có nhiều nguyên nhân. Có vụ việc giám định bị kéo dài là do cơ quan quan giám định chậm trong cử giám định viên. Có vụ việc do đùn đẩy trách nhiệm, công tác phối hợp chưa tốt nhất là trong trường hợp khó khăn, những nội dung không thể bóc tách nội dung giám định, thời hạn giám định không xác định rõ và trách nhiệm của cơ quan trưng cầu lạm dụng giám định.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết các ý kiến của các đại biểu sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.