Tham gia tọa đàm còn có đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam…cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Ủy ban Tư pháp tổ chức tọa đàm về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và trao đổi về các nội dung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thi hành án với pháp nhân thương mại; trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với pháp nhân thương mại về các hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Cùng với việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại vào Bộ luật hình sự thì Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng đã bổ sung một chương riêng để quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại. Tuy nhiên quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc, theo đó, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Đối với việc thi hành hình phạt khác và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại thì Luật mới chỉ quy định chung là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành theo quy định của pháp luật.
Do đó việc quy định về thi hành án với pháp nhân thương mại trong Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là rất cần thiết bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Việc xây dựng trình tự, thủ tục và các biện pháp đảm bảo thi hành án một các rõ ràng, minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, pháp nhân thương mại bị kết án sẽ có cơ sở để thực hiện đúng, đầy đủ hình phạt, đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại cũng có cơ sở để phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với cơ quan thi hành án hình sự trong việc tổ chức thi hành án theo đúng quy định pháp luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại tọa đàm
Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều băn khoăn về các nội dung cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại. Với lý do đây là vấn đề mới nhưng lại phức tạp chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, nên cần có thời gian nghiên cứu và bước đi phù hợp.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định nhiều hình phạt khác nhau như: đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp. Mỗi hình phạt, biện pháp tư pháp đòi hỏi phải có trình tự, thủ tục thi hành cưỡng chế thích hợp. Trong tình hình hiện nay, việc quy định chi tiết ngay trong Luật là khó khả thi.
Các đại biểu đề xuất dự thảo Luật sẽ quy định bổ sung một số nguyên tắc cơ bản trong cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, quy định một số nội dung về các biện pháp cưỡng chế, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành.
Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự đối với việc thi hành các biện pháp tư pháp chỉ điều chỉnh thi hành các hình phạt buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra. Các đại biểu cho rằng, hướng quy định như vậy là phù hợp tuy nhiên trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp tư pháp này trong Luật Thi hành án hình sự cần phải quy định cụ thể và rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại tọa đàm
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị có thể quy định trình tự thủ tục thi hành các hình phạt theo hướng thứ tự, thời gian và nghiệp vụ cho hợp lý. Tuy nhiên, đối với các biện pháp cưỡng chế thi hành án, cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp cần cân nhắc kỹ lưỡng nếu quy định cứng theo hướng liệt kê trong luật, cần có quy định quét về các biện pháp khác để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đề xuất uỷ quyền cho Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện, sau thời gian thực hiện sẽ có tổng kết thi hành để sau nâng lên thành luật.
Về việc giải quyết các các vấn đề trong quá trình thi hành án của pháp nhân thương mại, tại tọa đàm các đại biểu cho rằng, luật cần bảo đảm nguyên tắc cấm lợi dụng giải thể, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh mới…để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Trên cơ sở nguyên tắc đó, văn bản hướng dẫn của Chính phủ sẽ quy định các nội dung cụ thể, trong đó có yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải ghi chú vào cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang chấp hành án và kiểm tra hết sức thận trọng khi có yêu cầu giải thể, chia tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức kinh doanh, đăng ký kinh doanh… làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong xem xét hồ sơ và trách nhiệm của cơ quan thi hành án, cơ quan tòa án trong việc kết nối cung cấp thông tin về bản án, thi hành án đối với pháp nhân thương mại.
Các đại biểu trao đổi bên lề tọa đàm
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu tiếp thu để có giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bảo đảm khả thi. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cũng cho hay, dự án Luật này sẽ tiếp tục được lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến diễn ra vào tháng 4/2019.