Ảnh: Đình Nam
Tại phiên làm việc đầu tiên, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra Báo cáo của chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2015 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát năm 2015.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát đã thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước .
Đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015, Ủy ban Tư pháp nhận định Báo cáo tương đối đầy đủ, chuẩn bị công phu, chi tiết, đánh giá được những kết quả đạt được; đồng thời nêu được những mặt còn hạn chế, phân tích được nguyên nhân của những hạn chế đó và dự kiến giải pháp để khắc phục những tồn tại đó. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, báo cáo vẫn chưa phản ánh được đầy đủ tình hình tội phạm trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.
Tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả của công tác phong ngừa tội phạm, Ủy ban Tư pháp nhận định, năm 2015 là năm có nhiều sự kiện đối ngoại của đất nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt triển khai thực nhiều nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa đảm bảo an toàn góp phần nâng cao vị thế của đất nước… Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa tội phạm đã giúp ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo ổn định trật tự xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, công tác phòng ngừa tội phạm vẫn còn tồn tại những hạn chế, tình hình tội phạm ở một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp: khai thác tài nguyên trái phép, buôn lậu, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ cao... Đánh giá về hiện trạng này, ngoài những nguyên nhân đã được Chính phủ đề cập trong báo cáo, Ủy ban Tư pháp lưu ý một số nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại nhiều hạn chế đó là tình trạng tiếp tay, thông đồng hoặc không thực hiện đúng chức trách của một bộ phận cán bộ có chức quyền trong cơ quan quản lý Nhà nước tại cấp cơ sở.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa tương xứng với tình hình thực tế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và một số tội phạm xâm phạm sở hữu tỷ lệ phát hiện thấp. Tỷ lệ phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa đạt yêu cầu.
Về Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, theo Ủy ban Tư pháp, Báo đã cơ bản phản ánh khá đầy đủ về công tác của ngành kiểm sát, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra những phương hướng, giải pháp khắc phục…
Ủy ban Tư pháp cho rằng, Viện kiểm sát đã chấp hành khá nghiêm túc về việc đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, góp phần giúp cho các đại biểu Quốc hội và Quốc hội có một cái nhìn thẳng thắn hơn, phản biện hơn về các mặt được và chưa được trong hoạt động tư pháp. Từ đó, cùng với các cơ quan tư pháp đưa ra những giải pháp khắc phục những hạn chế này.
Ủy ban Tư pháp thấy rằng, trong năm 2015, Viện kiểm sát các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai rất nhiều các biện pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả về cơ bản đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết 37, 52, 63, 69, 96 của Quốc hội). Bên cạnh đó, ngoài các kết quả trực tiếp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, những thành tích trong hoạt động tư pháp trong năm 2015 có sự đóng góp tích cực của ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã cùng với các cơ quan bảo vệ pháp luật góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đánh giá, bên cạnh những mặt mạnh đã nói trên, trong báo cáo còn nhiều nội dung cần bổ sung; báo cáo của Viện kiểm sát mới chỉ nói được những mặt đã đạt dược trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội còn những mặt chưa đạt được hiếm thấy nói đến. Cụ thể, trong Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát chưa có phần đánh giá về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; chưa có phân tích, đánh giá tổng thể về tình hình các cơ quan, hữu quan thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân về khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, phần báo cáo về công tác điều tra còn quá sơ lược, chưa đánh giá đầy đủ được tình hình chấp hành của tố tụng hình sự trong công tác điều tra; Cùng với đó, phần đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp còn quá đơn giản và thiếu toàn diện…
Ủy ban Tư pháp đề nghị, báo cáo cần bổ sung, phản ánh thật đầy đủ, rõ ràng, đi thẳng vào những mặt chưa được trong công tác của ngành Kiểm sát và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát trong 2015.
+ Dự kiến kéo dài trong 3 ngày (9-11/9), tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 Ủy ban Tư pháp sẽ thẩm tra các nội dung Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về công tác của ngành và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành trong năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13; dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.