Đã giải ngân được 45 tỷ đồng từ viện trợ của Chính phủ Bỉ
Trình bày Tờ trình về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2018, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước (chi sự nghiệp) năm 2018 từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện Dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ là 5.200.000 Euro (tương đương với 120 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự kiến từ 2016-2018. Tính đến hết năm 2017, Dự án đã giải ngân được 45 tỷ đồng. Số viện trợ chưa giải ngân là 75 tỷ đồng. Dự kiến sẽ giải ngân 70 tỷ trong năm 2018 và 5 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2019.
Đề nghị bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước 70 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dự toán chi ngân sách nhà nước (phần vốn nước ngoài cho chi thường xuyên năm 2018 đã giao cho tỉnh Bình Thuận chưa bao gồm vốn viện trợ cho Dự án này. Theo quy định của Hiệp định Viện trợ, các hoạt động của Dự án phải kết thúc chậm nhất vào ngày 31/12/2018 để tiến hành các thủ tục đóng dự án. Sau thời gian này vốn viện trợ của Bỉ dành cho Dự án sẽ bị hủy.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, đây là dự án có tính chất hành chính sự nghiệp sử dụng viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, việc bổ sung dự toán không gây tác dụng đến nợ công và bội chi ngân sách nhà nước năm 2018. Do đó, để tạo điều kiện cho Dự án thực hiện giải ngân đúng tiến độ, đúng cam kết với nhà tài trợ, sử dụng hết vốn viện trợ không hoàn lại, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước (chi sự nghiệp) năm 2018 từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận là 70 tỷ đồng để thực hiện Dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận.
Giải trình rõ nguyên nhân bố trí dự toán chậm
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận là chủ dự án, thời gian thực hiện 2016-2018. Tuy nhiên, trong dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 đã giao cho tỉnh Bình Thuận chưa bao gồm khoản viện trợ này. Mặt khác, đây là khoản viện trợ không hoàn lại nên việc bổ sung dự toán sẽ không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi ngân sách nhà nước năm 2018. Vì vậy, để Dự án giải ngân đúng tiến độ, đúng cam kết với Nhà tài trợ, căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 52 của Luật ngân sách nhà nước, Chính phủ có Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi sự nghiệp cho tỉnh Bình Thuận từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng cho rằng, đây là dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận, với tổng mức đầu tư là 120 tỷ đồng, có thời gian thực hiện từ 2016-2018. Tính đến hết năm 2017, đã giải ngân được 45 tỷ đồng. Như vậy, đây là dự án đã triển khai, có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể.
Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, không bố trí dự toán từ nguồn viện trợ này cho tỉnh Bình Thuận. Mặt khác, ngày 08/06/2018, Chính phủ mới có Tờ trình về vấn đề này là khá chậm, ảnh hưởng đến thời gian còn lại trong năm 2018 để thực hiện dự án.
Cân nhắc thời gian giải ngân
Bên cạnh đó, căn cứ Hiệp định viện trợ, các dự án phải tiến hành kết thúc chậm nhất vào ngày 31/12/2018, để tiến hành thủ tục đóng dự án. Nguồn vốn còn lại chưa giải ngân theo báo cáo của Chính phủ là 75 tỷ đồng, được dự kiến bố trí 70 tỷ cho năm 2018 và 5 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2019.
Do vậy, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, để bảo đảm tiến độ giải ngân theo cam kết với Nhà tài trợ, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ việc dự kiến thực hiện giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 có phù hợp với quy định đã ký kết, theo đó đề nghị nên bố trí 75 tỷ đồng năm 2018 cho tỉnh Bình Thuận.
Cho phép trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Bình Thuận không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đây là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận có liên quan đến lợi ích Quốc gia, do vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép nội dung Tờ trình của Chính Phủ có thể trình ra Quốc hội cho ý kiến ở Kỳ họp vào tháng 10 tới, để đảm bảo dự án được tiếp tục giải ngân đúng tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cân nhắc thời gian giải ngân đối với 5 tỷ dự kiến trong 06 tháng đầu năm 2019. Bởi căn cứ Hiệp định viện trợ, các dự án phải tiến hành kết thúc chậm nhất vào ngày 31/12/2018, để tiến hành thủ tục đóng dự án. Do vậy, để bảo đảm tiến độ giải ngân theo cam kết với Nhà tài trợ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 tới nên đề nghị nên bố trí 75 tỷ đồng năm 2018 cho tỉnh Bình Thuận.
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình để trình ra Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp tới./.