Tham dự phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ; các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp phiên toàn thể lần thứ 31
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban sẽ cho ý kiến thẩm tra về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); thẩm tra việc điều chuyển kể hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc và việc tự chủ tài chính của Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu từ kỳ họp thứ 6 cho thấy còn nhiều vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Ngay sau kỳ họp, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tích cực chủ động nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để đi đến thống nhất nhiều nội dung của dự án luật.
Tại phiên họp lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị các đại biểu cho ý kiến hướng tới thống nhất các nội dung, giảm bớt những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cố gắng hoàn chỉnh những nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công
Cho ý kiến thẩm tra về một số vấn đề lớn của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi và lấy tên gọi là Luật Đầu tư công (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vưỡng mắc đã và đang phát sinh, bảo đảm tính ổn định, khả thi của dự án Luật; đồng thời dự án Luật đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành với hơn 80 điều trên tổng số 108 điều, xóa bỏ 3 điều và bổ sung 2 điều mới.
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung vướng mắc trong thực tế và đã đánh giá kỹ tác động, còn những nội dung không vướng mắc hoặc chưa có đánh giá tác động thì không nên sửa đổi. Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần thiết phải làm rõ những vướng mắc trên thực tế, lý giải về những nội dung sửa đổi bổ sung một các cụ thể, bổ sung đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng nội dung quy định được chỉnh sửa.
Tại phiên họp các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn như việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường vụ Hội đồng nhân dân trong việc xem xét các dự án trong thời gian không diễn ra kỳ họp; quy trình xây dựng, phê duyệt và giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn; về trường hợp không phải quyết định chủ trương đầu tư; về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; việc trích quỹ dự phòng...
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại phiên họp
Trao đổi về một số vấn đề, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư công; đối tượng và phân loại dự án đầu tư công (về việc đề nghị tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập; cấp vốn điều lệ cho các quỹ; cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách); tiêu chí phân loại dự án quán trọng quốc gia, dự án nhóm A,B,C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; quy định quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; nội dung trình Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định danh mục dự án cụ thể; thẩm định nguồn ốn và khả năng cân đối vốn và kế hoạch đầu tư công 03 năm "cuốn chiếu".
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, các cơ quan liên quan kịp thời hoàn thiện văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tháng 2 theo hướng thống nhất các nội dung, nhóm gọn các nhóm vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho biết, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được nghiên cứu tiếp thu, chính lý, xin ý kiến các cơ quan hữu quan, các chủ thể chịu tác động và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm
Cũng tại phiên họp, cho ý kiến thẩm tra việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hà Lạc, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc điều chuyển vốn ngân sách nhà nước; đồng thời đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc tuân thủ quy định pháp luật về thời hạn điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách.