ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

19/02/2019

Ngày 15/02, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 31 thẩm tra về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 02/2019 trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các bộ, một số nội dung của dự án Luật đã có sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Cụ thể về tên gọi và phạm vi sửa đổi của Luật; không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân trong việc xem xét các dự án trong thời gian không diễn ra kỳ họp; điều chỉnh quy định về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm vốn ngân sách nhà nước và hàng năm để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tế; bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ nhất, định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước (tại Luật hiện hành là vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước). Có ý kiến cho rằng, định nghĩa hiện nay là chưa rõ ràng, không bao quát, cần liệt kê đầy đủ là nguồn nào, hoặc có thể không quy định nguồn vốn này trong Luật. Tuy nhiên, một số cơ quan Chính phủ cho rằng, việc có quy định để quản lý nguồn vốn này là cần thiết, đồng thời, thiết kế quy trình dự án và kế hoạch trong dự thảo Luật đã phân cấp triệt để, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tạo thuận lợi trong triển khai. Vấn đề còn lại là tìm được một khái niệm phù hợp, có tính bao quát nhất mà không cần thiết phải liệt kê, kiểm đếm là nguồn vốn nào.

Thứ hai, liên quan đến thẩm quyền quyết định, nội dung xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với thẩm quyền tương ứng, danh mục dự án... Có ý kiến cho rằng, việc xác định ngay từ đầu danh mục dự án trung hạn như hiện nay là không khả thi, không hiệu quả, công tác chuẩn bị đầu tư vội vàng, thậm chí là hình thức.

Hiện nay chưa thống nhất được phương án cấp thẩm quyền nào quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch trung hạn (3 cấp: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương), mỗi cấp quyết định đều có ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào định hướng quan điểm xây dựng luật là phân cấp, hậu kiểm thì phương án phân cấp triệt để là phù hợp, các cơ quan cấp trên làm công tác hậu kiểm, giám sát.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho rằng trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn cần có danh mục chương trình, dự án cụ thể

Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm nêu rõ, việc quy định trình cấp có thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn mà không không danh mục dự án cụ thể là trái với quy định hiện hành và mâu thuẫn ngay trong Luật. Đại biểu lý giải, đối với Quốc hội nếu không có danh mục thì toàn bộ định hướng là không có căn cứ. Đối với các bộ ngành, nếu không quy định rõ vấn đề này thì sẽ là "xin - cho". Đối với địa phương thì tổng mức vốn theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ. Đại biểu nhấn mạnh, đối với bộ ngành địa phương thì phải theo dự kiến danh mục theo lĩnh vực; trình Quốc hội phải có danh mục dự án trong đó có các dự án chuyển tiếp và các dự án đủ điều kiện để đưa vào danh mục.

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn nên có danh mục chương trình, dự án. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang nhấn mạnh, để bảo đảm chặt chẽ thì phải để Quốc hội quyết định danh mục chương trình, dự án đầu tư, không thể vì không kịp chuẩn bị danh mục mà không xây dựng danh mục trình Quốc hội.

Trong khi đó Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Văn Cường cho rằng, việc trình danh mục dự án đầu tư cho Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mấu chốt là tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư. Theo đó, nếu có tiêu chí cụ thể có khả năng định lượng thì khi đó trình chủ thể nào thì cũng như nhau, phải có các tiêu chí lựa chọn dự án đưa vào danh mục. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, thực tế hiện nay tiêu chí đánh giá dự án về tài chính hiện đã có, chỉ tiêu khả năng năng thu hút lan tỏa, việc đánh giá tác động lên các đối tượng được thụ hưởng, chi phí lợi ích hoàn toàn đánh giá được. Do đó, nếu có được bộ tiêu chí thì khi công khai trình dự án sẽ bảo đảm khả thi, chặt chẽ và không tùy tiện. Đặc biệt, có được tiêu chi, công khai minh bạch tiêu chí, dự án thì mới bảo đảm theo dõi và đánh giá dự án, hiệu quả đầu tư.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường cho rằng điều quan trọng là phải xác định được tiêu chí lựa chọn các dự án để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về việc có nên tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Có ý kiến cho rằng, tách là không cần thiết hoặc nếu tách có thể bị lạm dụng, giải phóng mặt bằng xong nhưng không thực hiện dự án... Tuy nhiên, quan điểm của các cơ quan của Chính phủ cho rằng tách là tạo thuận lợi trong công tác triển khai dự án, cũng như giải phóng mặt bằng sạch đối với những khu vực đã được quy hoạch để triển khai đấu giá đất theo quy định của Luật Đất đai, thu hồi được vốn đã đầu tư giải phóng mặt bằng về ngân sách nhà nước.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đây là dự án Luật khó, cùng với đó Luật Đầu tư công mới có hiệu lực thi hành 3 năm nên việc sửa đổi toàn diện dự án Luật đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị các cơ quan hữu quan đi đến thống nhất các nội dung, tổng hợp, hoàn thiện văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2 này.

Bảo Yến