ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2013-2018” LÀM VIỆC VỚI CHÍNH PHỦ

02/08/2019

Sáng ngày 02/8, tại Nhà Quốc hội hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018” làm việc với Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc.

Tham gia buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan, cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ

Mở đầu buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH14 ngày 13/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018”, trong thời gian vừa qua, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để nghe báo cáo về tình hình ban hành chính sách pháp luật và quản lý, sử dụng 19 quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, đồng thời tổ chức 2 Đoàn giám sát đến làm việc tại các địa phương (Tp.Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng; Tp.Hà Nội, Hòa Bình; Thanh Hóa và Hưng Yên), và hôm nay, Đoàn tổ chức buổi làm việc chính thức với Chính phủ về chuyên đề giám sát trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, nhiệm vụ của Đoàn giám sát lần này là chỉ rõ những bất cập, tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước, từ đó có kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ để rà soát bãi bỏ một số quỹ có nhiệm vụ thu, chi trùng với ngân sách Nhà nước, các quỹ không hiệu quả, không đảm bảo cân đối thu, chi và ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp vốn hoạt động. Đồng thời rà soát để kiến nghị sát nhập các quỹ tài chính có cùng tính chất, cùng đối tượng để bảo đảm hoạt động hiệu quả, tận dụng được bộ máy hoạt động của các quỹ lớn, hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó, có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế quản lý thống nhất với các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước, hạn chế việc phân tán nguồn lực quốc gia, đảm bảo tập trung nguồn lực tài chính để quản lý, sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến hết năm 2018, cả nước có trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính nhà nước được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương thành lập hoặc được giao quản lý 28 quỹ, chiếm khoảng 95% tổng nguồn vốn hoạt động các quỹ tài chính nhà nước; ở địa phương có hơn 20 quỹ, loại quỹ được thành lập, chủ yếu đều có quy mô nhỏ (dưới 5 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Đoàn giám sát

Năm 2018, tổng số thu của các quỹ do Trung ương quản lý là 495,2 nghìn tỷ đồng, tổng số chi là 411,8 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm là khoảng 839,3 nghìn tỷ đồng. Đối với các quỹ do địa phương quản lý, tổng số dư các quỹ năm 2018 là 18.268 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là của 5 quỹ có quy mô lớn là Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phát triển nhà ở và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (chiếm khoảng 85% tổng số dư các quỹ tài chính địa phương).

Theo đánh giá của Chính phủ, các quỹ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phát triển các hoạt động tài chính nhà nước, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, một số quỹ tài chính nhà nước trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ hoặc nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước. Việc huy động một số quỹ còn hạn chế, nguồn thu chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp. Bộ máy quản lý một số quỹ tài chính nhà nước còn yếu kém, hoạt động không hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường quản lý đối với các quỹ, đưa hoạt động của các quỹ đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tập trung rà soát và sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước, gắn với tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý quỹ để giảm đầu mối, nâng cao tính độc lập  và hiệu quả hoạt động  của các quỹ, giảm sự chồng chéo, trùng lặp với ngân sách Nhà nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Chính phủ đã bám sát đề cương Đoàn giám sát yêu cầu, có đánh giá tổng quan kết quả, tồn tại hạn chế và đưa ra giải pháp kiến nghị. Nhiều nội dung đánh giá của Chính phủ khá tương đồng với nhận định của Đoàn giám sát. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung, làm rõ nhiều nội dung như đánh giá hiệu quả thực tế và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của các quỹ gắn với mục tiêu đề ra; cần chỉ rõ tồn tại, hạn chế trong mô hình tổ chức bộ máy của các quỹ; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế với thực trạng các quỹ hiện nay.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc

Các đại biểu đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung rà soát, sắp xếp giải thể lại các quỹ để bảo đảm trật tự quản lý và hiệu quả hoạt động. Song các đại biểu cũng đề nghị trong quá trình rà soát, sắp xếp cần làm rõ và lưu ý đến các nội dung gồm điều kiện thành lập các quỹ và chế độ pháp lý về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động; việc giải thể các quỹ tập trung vào nhiệm vụ ngân sách như thế nào để giúp hỗ trợ điều hành ngân sách.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua giám sát, các quỹ tài chính ngoài nhà nước được đánh giá là nguồn lực tài chính to lớn và hết sức quan trọng, là công cụ hữu hiệu, linh hoạt bên cạnh ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết các yêu cầu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại mang tính cấp bách và chuyên biệt trong từng thời kỳ mà ngân sách nhà nước không thể thực hiện hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, bên cạnh khẳng định ý nghĩa vai trò của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề cụ thể. Trên cơ sở đó, Chính phủ hoàn thiện báo cáo và tiếp tục rà soát kiến nghị bãi bỏ và có lộ trình trong thực hiện để sắp xếp tổ chức lại các quỹ này.

Bảo Yến - Nghĩa Đức