CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, VƯỢT TRỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH
Sáng ngày 21/02/2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc, nghe Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp báo cáo về kết quả nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Thường trực các Ủy ban: Pháp luật, Kinh tế, Tài chính và ngân sách, Khoa học, công nghệ và môi trường; đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và công nghệ, Kế hoạch và đầu tư, Công thương; Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Sau khi nghe Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội kết luận như sau:
1. Ghi nhận, đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan liên quan trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
2. Giao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan có liên quan tiếp thu các ý kiến tham gia tại buổi làm việc; tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó, lưu ý một số nội dung sau:
- Về cơ sở chính trị, ngoài các Nghị quyết của Đảng đã được nghiên cứu thể chế, đề nghị bám sát và thể chế hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới..., xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Tăng cường liên kết, chuyển giao, chuyển đổi công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, hình thành một số nền tảng đổi mới sáng tạo dùng chung. Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư nguồn lực hỗ trợ các cơ sở dân sinh phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Cơ cấu lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng, hình thành các cơ sở công nghiệp an ninh bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, hiện đại theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc, nghe Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp báo cáo về kết quả nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
- Xác định Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là luật khung, chưa thể là luật chi tiết nhưng nội dung luật cần quy định cụ thể cơ chế, chính sách mang tính chất nguyên tắc, đặc thù làm cơ sở để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều, nội dung của các luật khác có liên quan để quy định cụ thể, chi tiết; tiếp tục bám sát dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nghiên cứu những nội dung còn phù hợp với thực tiễn của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 và Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003 để chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.
- Dự thảo Luật cần làm rõ việc Nhà nước đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; nguồn lực của Nhà nước chi thường xuyên và chi đầu tư (đầu tư lĩnh vực gì, cho ai?; đầu tư phát triển nguồn nhân lực hay đầu tư các dự án nghiên cứu trọng điểm, các dự án đầu tư công liên quan); ưu tiên các nguồn lực: Ngân sách Nhà nước, dự phòng ngân sách Trung ương, các khoản tăng thu tiết kiệm chi và các nguồn vốn hợp pháp khác để phân bổ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; cho phép được sử dụng cả nguồn lợi nhuận để lại để đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (như thực tiễn đã thực hiện tại Tập đoàn Viettel). Nghiên cứu việc áp dụng chủ yếu là hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đối với các trường hợp đặc biệt có thể chỉ định thầu; trường hợp có nhiều doanh nghiệp dân sinh tham gia thì thực hiện cơ chế đấu thầu rộng rãi.
- Cân nhắc việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, anh ninh; nghiên cứu đưa vào quy định Quỹ đầu tư phát triển trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để bố trí vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Quỹ hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để hỗ trợ cho các chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cần bổ sung quy định Nhà nước ưu tiên đảm bảo vốn điều lệ và tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
- Về tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đề nghị nghiên cứu theo 02 phương án. Phương án 1 quy định như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý và cần lập luận, phân tích cụ thể hơn; Phương án 2 là giao Chính phủ tổ chức thí điểm Tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
- Về chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, đề nghị rà soát để bảo đảm bám sát tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cụ thể hóa nguyên tắc được sử dụng kinh phí thường xuyên của Bộ để chi trả tăng thêm cho tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành. Đối với chính sách ưu tiên về thuế và các cơ chế, chính sách khác đề nghị không quy định cụ thể tại Luật này, nên quy định theo hướng dẫn chiếu sang các luật về thuế, luật chuyên ngành hoặc bổ sung, sửa đổi nội dung một số điều tại các luật khác tại điều khoản thi hành.
- Về nội dung quản lý nhà nước, đề nghị chỉnh lý theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các Bộ, ngành thực hiện quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nghiên cứu quy định về cơ quan chuyên trách giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; quy định về Ban chỉ đạo Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung cuộc làm việc.
3. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật xin ý kiến tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024)./.