ĐỀ NGHỊ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

11/04/2023

Sáng 11/4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục chương trình phiên họp mở rộng nhằm chuẩn bị nội dung cho Phiên họp chuyên đề tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban đã thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ nội dung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh trật tự ở cơ sở.

KHẮC PHỤC NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN MỞ RỘNG, THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, việc đề xuất xây dựng, ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức ở cơ sở; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Chính phủ có Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh Đội trưởng, đội phó dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.

Đại diện Bộ Công an báo cáo tại phiên họp

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với với sự cần thiết ban hành Luật, cho rằng, đa số các vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự bắt nguồn từ cơ sở, nếu không bám cơ sở, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở đặt ra rất lớn, trong khi đó hoạt động của lực lượng Công an xã chính quy hiện nay găp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải huy động sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với với sự cần thiết ban hành Luật

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, toàn Đảng toàn dân đã khẳng định vai trò quan trọng của công an chính quy, lực lượng bán chuyên trách này cần tiếp tục để đưa vào thực hiện nhiệm vụ, không phải để làm công tác quản lý mà hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Cùng tham gia ý kiến, đại biểu Hoàng Anh Công, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, không nên để ở cơ sở có tới 3 lực lượng, mà cần thống nhất đầu mối chỉ huy. Theo đại biểu, nhu cầu thống nhất hóa là rất cần thiết, tuy nhiên, vấn đề mà các đại biểu đề nghị là cần báo cáo đánh giá rõ tác động khi thống nhất thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cả về vấn đề số lượng người tham gia và ngân sách chi cho lực lượng này.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Chia sẻ quan điểm tại phiên họp, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị nghiên cứu tác động của luật, đặc biệt là trong tương quan giữa luật này với các luật khác có tác động liên quan, vì liên quan đến cơ sở có nhiều quy định của pháp luật đang điều chỉnh như Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự... Đồng thời, cần làm rõ khi tham gia lực lượng này có được miễn nghĩa vụ quân sự hay không...

Các đại biểu dự hội nghị và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét để trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Khắc Phục